Việc hải sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) thuộc Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo “thẻ vàng” đã tạo ra những thiệt hại nhất định đối với ngành hàng này. Trong đó, có thông tin cho rằng, tổn thất trung bình có thể lên đến 10.000 euro mỗi container.
“Thẻ vàng” EU đẩy xuất khẩu hải sản Việt Nam vào thế khó
Hải sản được bày bán trong các hệ thống bán lẻ. Ảnh minh họa: Trung Chánh
Thông tin nêu trên được thể hiện trong tài liệu về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam thời gian qua, được Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố mới đây.
Theo đó, việc bị “thẻ vàng” của EC sẽ gây ra nhiều tác động xấu, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.
Tài liệu nêu trên cũng chỉ ra rằng, trong thời gian bị “thẻ vàng”, 100% container hải sản xuất khẩu sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này, khiến thời gian vận chuyển bị kéo dài, có thể tới 3-4 tuần/container (mỗi container hải sản Việt Nam xuất sang EU có trọng lượng khoảng 24 tấn).
Ngoài ra, chi phí cho kiểm tra nguồn gốc có thể lên đến khoảng 500 bảng Anh/container, đó là chưa kể phí lưu giữ ở cảng và những hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng. “Nhưng rủi ro nhất là tỷ lệ lớn các container hàng sẽ bị từ chối, trả lại, gây tổn thất nặng nề về kinh tế”, tài liệu viết và cho biết tổn thất cho việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU khi bị "thẻ vàng" trung bình có thể lên đến 10.000 euro/container.
Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho rằng, ước tính tổn thất 10.000 euro/container như nêu trên là được tham khảo từ trường hợp thực tế của các doanh nghiệp Philippines.
“VASEP sẽ rà soát và tính lại chuyện này (mức thiệt hại do bị “thẻ vàng” của EC-PV”’, ông Nam nói.
Sau hai năm EC cảnh báo “thẻ vàng” (2018 và 2019) với hải sản Việt Nam, việc xuất khẩu sang thị trường EU đã gặp những tổn thất nhất định.
Cụ thể, trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU chỉ còn khoảng 390 triệu đô la Mỹ, giảm 6,5% so với năm trước đó; bước sang năm 2019 chỉ đạt gần 372 triệu đô la Mỹ, giảm tiếp 5% so với năm 2018. “Còn so với năm 2017, xuất khẩu hải sản sang EU năm 2019 giảm 10,3%, trong đó, mực và bạch tuộc giảm đến 37%”, tài liệu viết và thể hiện, từ vị trí thứ hai trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau "thẻ vàng", EU đã “rớt” xuống vị trí thứ 5 và tỷ trọng thị trường này sụt giảm từ 18% xuống còn 13%.
Liên quan đến việc ngành hải sản Việt Nam bị EC rút “thẻ vàng”, từ năm 2012, Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của EC đã làm việc với Tổng cục thủy sản Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiểm tra và đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam nhằm phát triển nghề cá bền vững và kiểm soát hiệu quả khai thác IUU.
Sau khi kiểm tra hàng năm, vào tháng 5-2017, DG-MARE tiếp tục đề nghị Việt Nam cần thực hiện 5 nhóm khuyến nghị đến hết tháng 9-2017 của EC, bao gồm khung pháp lý và thực thi; quản lý đội tàu và năng lực khai thác; hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát; hệ thống chứng nhận thủy sản khai thác và truy xuất nguồn gốc; các vấn đề liên quan đến tàu khai thác hải sản bất hợp pháp, bao gồm cả việc kiểm soát và ngăn chặn các tàu nước ngoài khai thác bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam và tàu Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển của các nước.
Sau thời gian EC yêu cầu thực hiện các khuyến nghị như nêu trên, đến tháng 10-2017, EC đã chính thức rút “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang EU vì những nỗ lực chưa đủ đáp ứng quy định IUU.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, thời gian qua, các đơn vị liên quan của Việt Nam tiếp tục nổ lực khắc phục theo các khuyến nghị được EC đưa ra. Hiện đang chờ đoàn công tác của EC sang đánh giá lại nhằm xóa “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam.