Tuần vừa qua quả thực là một tuần rất dài đối với nền kinh tế Việt Nam, khi chưa bao giờ các sự kiện lại diễn ra dồn dập như vậy trong nền kinh tế, từ câu chuyện lệch thuế xăng dầu cho tới việc hoàn thuế cho các doanh nghiệp, tất cả đều là các câu chuyện liên quan tới hàng ngàn tỉ đồng.
Nhưng, nếu phải chọn ra một câu chuyện có ý nghĩa nhất trong tuần qua đối với nền kinh tế, thì đó hẳn phải là việc tập đoàn công nghệ nổi tiếng Apple muốn đầu tư vào Việt Nam một dự án lên tới 1 tỉ USD. Ý nghĩa của câu chuyện này không nằm ở số tiền cả tỉ USD giá trị dự án, mà ở chỗ nó đang chỉ ra điểm yếu chí tử nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện tại, đó là chất lượng nhân lực và trình độ khoa học kỹ thuật.
Quả thực, so với các dự án khổng lồ của chính đối thủ sừng sỏ nhất là Samsung ở Việt Nam thì dự án trị giá 1 tỉ USD này của Apple không thấm vào đâu, dù nó vẫn là một trong những dự án có quy mô lớn nhất mà Việt Nam nhận được từ trước đến nay. Tổng số tiền mà Samsung đã bỏ ra để xây dựng các nhà máy sản xuất điện thoại và điện tử lớn nhất thế giới của tập đoàn này tại Việt Nam đã lên tới trên 10 tỉ USD, với các nhà máy ở Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP.HCM.
Tuy nhiên, ý nghĩa dự án của Apple lại hoàn toàn khác. Nếu như Samsung tập trung các dự án khổng lồ của mình vào lĩnh vực sản xuất, trong đó chủ yếu là thâm dụng lao động giá rẻ trên quy mô lớn mà công đoạn gia công là chủ đạo; thì Apple lại đang hướng đến việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng vai trò một cơ sở dữ liệu phục vụ cho toàn bộ thị trường châu Á.
Điều này có nghĩa là lợi ích mà Việt Nam nhận được từ dự án của Apple không giống với lợi ích mà các dự án của Samsung đã đem lại. Các dự án của Samsung chủ yếu đem lại lợi ích cho Việt Nam qua 2 cách thức chủ yếu, đó là tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động, và nộp thuế cho Nhà nước. Dù về lý thuyết thì Việt Nam có thể nhận được thêm một số lợi ích khác quan trọng hơn nhiều từ các dự án của Samsung như phát triển công nghiệp phụ trợ hay chuyển giao công nghệ, thì nó vẫn đang là một điều khá xa vời. Trong khi đó, dự án của Apple lại đem đến cho Việt Nam một lợi ích khác hẳn, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thì Apple có thể sẽ hướng đến việc tuyển dụng và đào tạo các kỹ sư Việt Nam có tiêu chuẩn chất lượng rất cao.
Nói cách khác đây có thể xem như một quá trình chuyển giao công nghệ và chất xám một cách trực tiếp, vốn đang là điều Việt Nam cần nhất ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nó cũng lại đang chỉ ra rõ ràng hơn bao giờ hết điểm yếu chí tử nhất của nền kinh tế Việt Nam, đó là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Về cơ bản, một nền kinh tế không thể đạt mức phát triển cao nếu như không có một lực lượng lao động chất lượng cao đủ để phục vụ và phát triển nền kinh tế.
Đã có khá nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên nhân công giá rẻ của Việt Nam đang đi đến giai đoạn cuối cùng, và để thay đổi tình hình thì Việt Nam cần hướng đến nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo để tăng giá trị. Để làm được điều đó thì nguồn nhân lực chất lượng cao, cộng với trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ, mới là yếu tố then chốt. Nói cách khác, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai phải gắn chặt với đổi mới giáo dục và phát triển công nghệ ở tầm quốc gia, thay vì chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế theo một cách hiểu thô sơ như hiện nay.
Nếu xét theo khía cạnh này, thì quả thực Việt Nam đang ở trong một tình trạng đáng lo ngại. Theo báo cáo đánh giá về chỉ số cạnh tranh toàn cầu CGI 2015-2016 của Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện tại 140 quốc gia, thì các chỉ số này của Việt Nam thuộc loại thấp. Cụ thể, chỉ số giáo dục và đào tạo bậc cao của Việt Nam xếp hạng 95/140 quốc gia. Nó cho thấy Việt Nam hiện đang thiếu các trường đại học chất lượng cao để phát triển công nghệ và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) để tăng năng suất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chỉ số hiệu quả hàng hóa xếp hạng 83/140 cho thấy chất lượng hàng hóa doanh nghiệp sản xuất chưa thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và có giá thành cao. Chỉ số tiếp cận khoa học công nghệ xếp hạng 92/140 cho thấy khả năng thấp về tiếp cận và ứng dụng KHKT để giúp các doanh nghiệp tăng năng suất.
Các chỉ số trong bản báo cáo trên cho thấy, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đang đánh thẳng vào các yếu tố quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam như năng suất lao động và áp dụng KHKT. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn quen nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam chủ yếu theo góc độ thuần túy kinh tế, trong đó các yếu tố về vốn, nhân lực đóng vai trò chi phối đến doanh nghiệp và sản xuất; mà quên đi vai trò cực kỳ quan trọng của nguồn nhân lực. Một nguồn nhân lực chất lượng cao hoàn toàn có thể thúc đẩy mọi yếu tố cần thiết để vận hành nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn rất nhiều.
Việc hướng đến đào tạo một nguồn nhân lực chất lượng cao vì thế có thể là lời giải cho bài toán nâng cao giá trị và năng suất của nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại thay vì mô hình dựa vào nhân công chất lượng thấp và giá rẻ như những năm qua. Và dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Apple đang là một sự kiện có ý nghĩa tiếng chuông báo thức đối với Việt Nam. Nếu như mục tiêu của Việt Nam là thoát ra khỏi thân phận gia công cho các tập đoàn nước ngoài, và hướng đến một nền kinh tế phát triển với trình độ công nghệ cao, thì Việt Nam phải giải được bài toán đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra đó cũng là lời mời chào tốt nhất đối với các siêu dự án công nghệ cao trên toàn cầu. Nếu như Việt Nam có một nguồn nhân lực chất lượng cao, thì không lo gì những dự án công nghệ cao như dự án 1 tỉ USD của Apple không chọn Việt Nam làm điểm đến.
Dĩ nhiên, để có được một nguồn nhân lực chất lượng cao, thì bài toán cần giải lại thuộc về ngành giáo dục. Theo thống kê hàng năm người Việt Nam chi tới 3 tỉ USD cho con cái thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài, và một phần trong số đó chọn ở lại làm việc cho các tập đoàn quốc tế. Trong khi đó, các quy định ở trong nước lại đang có xu hướng hạn chế các trường đại học và tổ chức giáo dục nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, mà điển hình là Nghị định 73 mà Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng than rằng sẽ chẳng có Harvard nào vào Việt Nam với những quy định như thế cả. Điều này về cơ bản đang cản trở việc hướng tới đào tạo một nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Về lý thuyết, khi nền giáo dục trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thì việc cần thiết là phải tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức giáo dục chất lượng quốc tế vào đầu tư ở Việt Nam. Như thế, sẽ ngày càng nhiều người Việt Nam được tiếp cận với một chương trình giáo dục chất lượng cao - tiền đề để tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng mà nền kinh tế đất nước đang rất cần.
(theo motthegioi.vn)