Có mặt từ đầu những năm 2000, đến nay, các đại gia thức ăn nhanh (fast food) của Mỹ tại Việt Nam đua nhau mở rộng thị phần, lan rộng ra toàn quốc.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Sau thời gian dài người tiêu dùng quen thuộc với những thương hiệu như KFC, Lotteria hay Jollibee, Subway... đến năm 2013, thị trường thức ăn nhanh Việt Nam lại đón nhận thêm những gương mặt mới đến từ Mỹ như McDonald's.
Trước đó, cuối năm 2012, thương hiệu được đánh giá đứng thứ hai trên thế giới là Buger King của Mỹ cũng đã chính thức vào VN thông qua đối tác nhượng quyền.
Cùng điểm danh lại 10 đại gia fastfood máu mặt của Mỹ đang làm ăn tại Việt Nam.
1. Subway
Với 43.945 cửa hàng sandwich ở 110 quốc gia, Subway đã trở thành chuỗi nhà hàng phổ biến nhất trên thế giới với đội quân “nghệ nhân sandwich” trên các "tiền đồn" Mỹ nhiều hơn cả McDonald’s và Starbucks cộng lại.
Món truyền thống của Subway là sandwich (bánh mỳ kẹp thịt) và salad. Tập đoàn này hiện có trụ sở chính tại Milford, Connecticut (Mỹ).
Tại Việt Nam, chuỗi bán lẻ này bắt đầu gia nhập từ năm 2010 và nay đã có 5 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù đánh giá thị trường Việt Nam rất tiềm năng, nhưng ông Mark McGrath, Tổng Giám đốc Subway Việt Nam cho biết với việc vừa nhượng quyền và tự mở kinh doanh, Subway có thể đạt được 20 cửa hàng ở Việt Nam trong 3 năm tới.
Hiện nay phần lớn nguyên liệu làm bánh của Subway ở Việt Nam chủ yếu nhập khẩu, trừ rau cải các loại được mua từ Đà Lạt.
Chi phí cho mỗi khách hàng nhận nhượng quyền mở cửa hàng Subway tại Việt Nam đầu tiên là 110.000 đô la Mỹ (hơn 2 tỉ đồng). Diện tích cho mỗi cửa hàng là từ 60 mét vuông.
2. Mc Donald
Tập đoàn Mc Donald cũng đang là chuỗi bán lẻ thức ăn nhanh lớn bậc nhất thế giới khi phục vụ tới 68 triệu khách mỗi ngày tại 119 quốc gia. Mc Donald’s có trụ sở chính tại Mỹ và đi vào hoạt động từ năm 1940 dưới hình thức một quán phục vụ đồ nướng do hai anh em Richard và Maurice Mc Donald điều hành.
Tại Việt Nam, chuỗi bán lẻ này bắt đầu gia nhập thị trường đầu năm 2013 và chính thức khai trương năm 2014. Việt Nam là một trong 65 thị trường nhượng quyền của McDonald's trên thế giới.
Mặc dù đặt mục tiêu 100 nhà hàng sau 10 năm vào Việt Nam, nhưng đến nay sau hơn 2 năm, số nhà hàng McDonald’s vẫn khá khiêm tốn, với chỉ 8 địa điểm ở TPHCM.
3. Starbucks
Starbucks được thành lập từ năm 1971 và hiện có trụ sở tại 64 quốc gia trên thế giới, hơn nửa số này tập trung tại Mỹ. Từ ngày thành lập, Starbucks liên tục mở rộng thị trường. Vào năm 1987, trung bình mỗi ngày đơn vị này mở thêm 2 cửa hàng mới.
Tương tự các đại gia bán lẻ trên, Starbucks hiện cũng có mặt ở Việt Nam với 8 cửa hàng ở TP HCM, 4 ở Hà Nội với tổng cộng 220 nhân viên. Thời gian tới, Starbucks tham vọng mở thêm nhiều cửa hàng tại 2 thành phố lớn nhất là Hà Nội, TP HCM, và lan rộng ra những nơi khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Vinh, Vũng Tàu...
4. KFC
Khác với Mc Donald’s, KFC nổi tiếng khắp toàn cầu nhờ món thịt gà rán và hiện có mặt tại 118 quốc gia. Tên đầy đủ của hãng là Kentucky Fried Chicken, trụ sở chính tại Louisville – Kentucky (Mỹ) do Harland Sanders sáng lập. Nó là một trong các thương hiệu thuộc Tập đoàn Yum! Brands, bên cạnh Pizza Hut và Taco Bell.
KFC xuất hiện cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào cuối năm 1997, tại Trung tâm Thương mại Sài Gòn Super Bowl.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn khi khái niệm "thức ăn nhanh" vẫn hoàn toàn xa lạ tại đây, và liên tục chịu lỗ trong suốt 7 năm đầu kinh doanh nhưng với chiến lược tiếp cận hợp lí, hệ thống nhà hàng của KFC Việt Nam đến nay đã phát triển tới hơn 140 nhà hàng, có mặt tại hơn 19 tỉnh/thành phố lớn trên cả nước, sử dụng hơn 3.000 lao động đồng thời cũng tạo thêm nhiều việc làm trong ngành công nghiệp bổ trợ tại Việt Nam
Hàng năm KFC thu hút khoảng 20 triệu lượt khách trong nước, chiếm khoảng 60% thị trường thức ăn nhanh Việt Nam và sử dụng hơn 3.000 lao động.
5. Burger King
Burger King được sáng lập vào năm 1953 tại Florida, Mỹ. Hiện tập đoàn có mặt tại 79 quốc gia, phần lớn tập trung tại Mỹ. Doanh thu năm 2012 của Burger King là 1,97 tỷ USD và lợi nhuận là 117,7 triệu USD.
Gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2011, đối tác nhượng quyền của Burger King tại Việt Nam là Công ty TNHH Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Cánh Diều Xanh (BKV) – thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP).
Hiện thương hiệu này có gần 20 cửa hàng tại TP HCM và Hà Nội.
6. Pizza Hut
Cũng giống KFC, Pizza Hut hiện là công ty con của Yum! Brands và đang có mặt tại hơn 94 quốc gia, vùng lãnh thổ khắp thế giới.
Chuỗi bán lẻ được thành lập từ năm 1958, trụ sở tại Kansas. Pizza Hut xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2007 và đến nay có khoảng 50 nhà hàng phủ khắp cả nước.
7. Dunkin’s Donuts
Ra đời vào năm 1950, tại Mỹ, Dunkin’s Donuts đang được xem là đối thủ của Starbucks do cả hai cùng hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ cafe. Trung bình mỗi năm, Dunkin’s Donuts bán ra hơn 1,7 tỷ cốc café. Doanh thu năm 2012 của hãng đạt 6,9 tỷ USD.
Cũng tương tự các đại gia trên, Dunkin’ Donuts đặt chân vào thị trường Việt Nam từ tháng 11/2013, với cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM thông qua đối tác nhượng quyền thương hiệu là Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thực phẩm và giải khát Việt Nam (VFBS), thuộc Tập đoàn Imexpan Pacific (IPP) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên.
Hiện Dunkin’ Donuts chuyên bán các loại thức uống, bao gồm cà phê nóng và đá, trà, các loại bánh ngọt, bánh kẹp thịt...
8. Domino’s Pizza
Với sự hiện diện tại 70 quốc gia, Domino’s Pizza cũng đang là một trong những đại gia bán lẻ đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới. Domino’s Pizza ra đời tại Michigan (Mỹ) vào năm 1960.
Tại Việt Nam, ông trùm này bắt đầu vào thị trường từ năm 2010 thông qua đơn vị nhượng quyền là Công ty Dịch vụ Thực phẩm Việt Nam – doanh nghiệp con thuộc sở hữu của Tập đoàn IPP.
Đến nay, Domino’s Pizza có hơn 20 cửa hàng tại Việt Nam. Ông Steve Pizziol, Phó Chủ tịch Domino’s Pizza khu vực châu Á Thái Bình Dương, cho rằng “Việc mở rộng Nhà hàng tại thị trường Hà Nội là một cơ hội tuyệt vời cho thương hiệu Domino’s Pizza tiếp tục đà phát triển toàn cầu của mình. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục mở rộng thị trường trên khắp Việt Nam.”
9. Dairy Queen
Dairy Queen thành lập năm 1940 tại Mỹ và một năm sau đó mới có khoảng 10 cửa hàng kem. Hiện nay, hãng là thành viên Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffet. Sản phẩm chính của Dairy Queen là kem đa dạng về mùi vị và được trộn chung với nhiều nguyên liệu bánh, kẹo.
Tại Việt Nam, hãng kem của vị tỷ phú này vừa gia nhập thị trường vào năm 2014. Hiện tại, Dairy Queen đã có 19 địa điểm tại Việt Nam, dự định phát triển lên 60 vào năm 2019.
Cùng với đà phát triển chung của thị trường, đại diện Dairy Queen cho hay hãng này sẽ mở thêm địa điểm mới tại TP.HCM, Hà Nội và các vùng đô thị loại 2 lẫn nông thôn. Theo số liệu thống kê gần nhất, năm 2008, doanh thu của Dairy Queen đạt 2,5 tỷ USD.
10. Coffee Bean
The Coffee Bean & Tea Leaf là một chuỗi cà phê Mỹ, sở hữu và điều hành bởi International Coffee & Tea LLC có trụ sở chính ở Los Angeles, California. Khai trương cửa hàng đầu tiên vào tháng 9 năm 1963. Chuỗi này hiện có hơn 900 cửa hàng tại 25 quốc gia.
Trái ngược với sự xôn xao của nhiều chủ nhãn hàng cà phê khác khi cà phê Starbucks (Mỹ) xuất hiện tại Việt Nam, nhà điều hành thương hiệu The Coffee Bean & Tea Leaf lại khá kiệm lời, cứ âm thầm làm theo cách riêng của mình...
Đến nay, Coffee Bean & Tea Leaf Việt Nam đã có 10 cửa hàng và sắp tới là 18, với tốc độ mở là trung bình 2,5 cửa hàng mỗi năm.
Tô Mạn
Theo Trí Thức Trẻ