Vùng đất võ Bình Định sinh ra nhiều những doanh nhân thành đạt, cá tính với sự thăng trầm trên thương trường.
Ảnh minh họa. (Trí thức trẻ).
Bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016 mới đây đã được công bố.
Theo thống kê, trong top 500 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam có 10 doanh nhân sinh ra từ vùng đất võ Bình Định, nắm giữ gần 5.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng số tài sản.
Tổng tài sản 10 doanh nhân gốc Bình Định (tỷ đồng)
Đứng đầu danh sách là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ông Đức có biệt danh là bầu Đức, sinh năm 1962, quê quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn.
Ông Đoàn Nguyên Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. 22 tuổi không tiền, không bằng cấp, ông Đoàn Nguyên Đức quyết định ly hương lập nghiệp, bươn trải đủ nghề. Đến năm 1990, sau khi tích góp được một khoản tiền, ông Đức mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà.
Ông Đoàn Nguyên Đức
Sự nghiệp ông Đức từ đó phất lên như diều gặp gió, mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc đến bóng đá...
Tính đến hết 31/12/2016, ông Đức sở hữu khối tài sản hơn 1.860 tỷ đồng. Song Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đức trong thời gian trở lại đây đương đầu với nhiều khó khăn cùng khoản nợ rất lớn. Tính đến hết quý III/2016, số nợ của doanh nghiệp ông Đức lên tới hơn 34.893 tỷ đồng.
Xếp thứ hai trong bảng danh sách này là ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen. Ông Vũ sinh năm 1963, cũng xuất thân từ một gia đình nghèo tại Quy Nhơn.
Khi còn trẻ, ông Vũ từng từ chối cơ hội làm giảng viên tại trường Trung cấp Giao thông. Sau đó ông cùng gia đình vào Nam lập nghiệp. Lúc 31 tuổi, chỉ với 2 chỉ vàng, ông Vũ khởi nghiệp kinh doanh với một cửa hàng nhỏ bán tôn, sau đó phát triển thêm một xưởng cán tôn.
Ông Lê Phước Vũ
Sau một thời gian dài thăng trầm, hiện tại ông Vũ là Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, doanh nghiệp có quy mô lớn về sản xuất thép tại Việt Nam. Tính đến hết năm 2016, ông Vũ có 1.832 tỷ đồng.
Năm 2016, ông Vũ được mọi người biết đến nhiều hơn khi đề xuất làm dự án thép Cà Ná có tổng mức đức đầu tư 10 tỷ USD tại Ninh Thuân. Dự án này hiện vẫn tiếp tục gây tranh cãi.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa - Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Thiên Lộc xếp vị trí thứ 3 với tổng số tài sản gần 915 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa
Ông Nghĩa sinh năm 1963, tại một gia đình nghèo ở Cát Tài, Phù Cát. Năm 1987, ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế tài chính kế toán TP.HCM, ra làm nhân viên tại Công ty XNK Thủy sản (Seaprodex) Sài Gòn. Năm 2001, ông nghỉ việc tại Seaprodex và ra thành lập doanh nghiệp riêng với cái tên Công ty Đại Thiên Lộc.
Đứng thứ 5 là ông Lê Văn Thảo - Phó tổng giám đốc Công ty CP Phú Tài với tổng tài sản là 166 tỷ đồng. Ông Thảo sinh ngày 10/10/1971 tại Tuy Phước, Bình Định, tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Hiện ông Thảo đang đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quản trị - Phó tổng giám đốc CTCP Phú Tài (PTB). Đồng thời, ông Thảo còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Vật liệu xây dựng Phú Yên.
Xếp thứ 6 là ông Võ Trường Thành, từng là Chủ tịch CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành với tổng tài sản đang nắm giữ là 42 tỷ đồng. Ông Thành sinh năm 1958, được biết đến là một doanh nhân trải qua rất nhiều thăng trầm và từng được mệnh danh là người vượt bão.
Ông Võ Trường Thành
21 tuổi, đang làm nghề “gõ đầu trẻ”, ông Thành quyết định rời vùng đất võ Tây Sơn, Bình Định để lập nghiệp. Công việc ở xưởng chế biến gỗ của Lực lượng Thanh niên Xung phong đóng tại Tây Nguyên đã khởi đầu mối lương duyên của ông với gỗ.
Công ty gỗ Trường Thành của ông từng dẫn đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ của Việt Nam về doanh số (khoảng 3.000 tỷ đồng) và quy mô lên đến 8 nhà máy.
Mặc dù được coi là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành gỗ nhưng doanh nghiệp của ông Thành thường xuyên ở trong tình trạng vay nợ lớn (tính đến cuối tháng 6/2016 là 1,2 nghìn tỷ đồng).
Đến tháng 8/2016, toàn bộ các thành viên trong gia đình ông trùm trong ngành gỗ Võ Trường Thành đã bán cổ phiếu và rút khỏi các vị trí lãnh đạo trong công ty sau 3 năm tái cấu trúc bất thành. Ông Thành bị bãi nhiệm vị trí Chủ tịch do “không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp của công ty”.
Ngoài những cái tên kể trên, vùng đất Bình Định cũng là quê hương của nhiều những doanh nhân được nhiều người biết đến như: Ông Huỳnh Uy Dũng - Giám đốc Công ty CP Đại Nam; Ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); bà Trần Thị Hường, Chủ tịch Công ty Hoàn Cầu; bà Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Diệp Bạch Dương...
N.Mạnh / BizLIVE