"Những đóng góp FDI rất lớn nhưng ngoài những điều đó thì vấn đề mà chúng ta phải quan tâm đó là sau khi họ đi sẽ để lại những cái gì?", bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đặt vấn đề.
Ảnh minh họa. |
Tại toạ đàm “30 năm lan toả vốn FDI” do BizLIVE tổ chức diễn ra chiều 6/10 tại FLC Vĩnh Phúc, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng: "Có một con số rất ám ảnh. Cách đây một số năm thì 10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì 5 đồng thuộc về doanh nghiệp FDI, nhưng đến nay con số này là 7,5 đồng".
Lo ngại về con số này, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đặt vấn đề: "Những đóng góp FDI rất lớn nhưng ngoài những điều đó thì vấn đề mà chúng ta phải quan tâm đó là sau khi họ đi sẽ để lại những cái gì?"
Trong cơ cấu GDP, đóng góp của FDI rất lớn, tuy nhiên đóng góp cao không có nghĩa là khu vực này sẽ lan toả vào độ sâu của nền kinh tế. Lan toả ở đây nói nhiều hơn những khoảng cách khác nhau, đó là vấn đề năng suất.
"So sánh năng suất lao động của FDI với các khu vực khác, thì khu vực FDI có năng suất cao nhất. Nhưng đối với Việt Nam không phải là vấn đề tăng trưởng kinh tế mà cái sâu xa là tăng năng suất lao động, điều đó mới là cần thiết", bà Tuệ Anh nhấn mạnh.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn: "Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu rất tốt nhưng sức lan tỏa giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân còn chưa tốt".
"Hàng năm, chúng tôi đều có những cuộc điều tra, trong đó cho thấy, các doanh nghiệp FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ doanh nghiệp Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước rất khiêm tốn. Dù có chuyển động nhưng rất chậm chạp", ông Tuấn cho biết.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI. Ảnh: Quang Sơn |
Trở lại câu hỏi chính, lan toả giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân còn chưa tốt, hàng năm, VCCI đều có những cuộc điều tra, trong đó cho thấy, các doanh nghiệp FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ doanh nghiệp Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ.
Một lý do khiến lan toả từ FDI sang tư nhân thấp là do loại hình hoạt động, trước đây có nhiều mô hình liên doanh giữa FDI và tư nhân, hiện nay gần như toàn bộ là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Về phía Việt Nam cũng có một số điểm yếu như tính minh bạch, chất lượng dịch vụ công, hạ tầng còn thấp.
Đáng nói là những doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao kết nối với doanh nghiệp trong nước ngày càng hạn chế. Vậy điều gì cản trở? Tôi cho rằng sự liên kết còn yếu do 3 yếu tố. Một là, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng. Hai là, trình độ công nghệ và khả năng hấp thụ công nghệ. Ba là, khoảng cách địa lý ảnh hưởng rất lớn.
Vẽ lại biểu đồ nhà máy trong nước và FDI thì thấy ở đâu các doanh nghiệp trong nước với FDI gần nhau hơn thì có sự kết nối nhiều hơn. Còn khoảng cách xa hơn thì ít tương tác hơn. Việt Nam sắp thành lập đặc khu, càng riêng biệt vậy thì sự lan toả của FDI lại càng hạn chế hơn.
Lương FDI trả cho nhân công khoảng 7 đến 8 triệu/người/tháng, doanh nghiệp nhỏ không đủ sức cạnh tranh. Khoảng cách giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI cũng rất lớn và năng lực cạnh tranh cũng rất kém. Do đó, cần có một chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
"Yếu tố hàng đầu, quan trọng nhất của Việt Nam hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài là chi phí rẻ. Trong 10 yếu tố hấp dẫn hàng đầu không có yếu tố nào về chất lượng điều hành, chỉ toàn là chi phí rẻ. Nhưng yếu tố chi phí rẻ này sẽ dần mất đi khi chi phí lương tăng lên, đất đai không còn quá sẵn, hết dần, môi trường bị siết chặt lại... Liệu Việt Nam có còn là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nữa hay không?", ông Tuấn đặt vấn đề.
Nguyễn Thắm / BizLIVE