Phạm Hùng Hiệp - nghiên cứu sinh ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Văn hóa Trung Hoa - chia sẻ những dự báo cá nhân về giáo dục đại học của Việt Nam trong năm 2016.
1. Tuyển sinh đại học tiếp tục là điểm nóng
Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ có nhiểu điểm mới và cải tiến hơn so với năm 2015. Nhưng về cơ bản, Bộ vẫn chưa thể tìm ra lời giải rốt ráo cho bài toán "chất lượng" (bài thi) và "độ tin cậy" (đảm bảo tính chính xác và công bằng).
Sẽ vẫn có những khó khăn không lường trước xuất hiện và gây nên một vài khủng hoảng nhỏ trước, trong và sau kỳ thi.
Trong bối cảnh đó, những trường đại học có chính sách tuyển sinh thông minh, hài hoà được với môi trường chính sách biến động và dẫn dắt được tâm lý, nhu cầu của học sinh, phụ huynh hoặc áp dụng khôn khéo ứng dụng của marketing hiện đại như online marketing, content marketing, personalized marketing, SEO..., sẽ thu hút được cả số lượng lẫn chất lượng sinh viên tuyển mới.
Thí sinh sau khi kết thúc kỳ thi đại học. Ảnh: Hoàng Hà. |
2. Các trường cao đẳng, trung cấp tiếp tục "sa lầy"
Do chính sách tuyển sinh 2015 có phần cởi mở đối với đại học, các trường cao đẳng, trung cấp gánh chịu hậu quả sụt giảm chưa từng thấy.
Tình trạng này có thể tiếp tục tiếp diễn trong năm 2016, kể cả trong trường hợp Bộ GD&ĐT đã tính đến những phương án hỗ trợ như cấm hay hạn chế trường đại học tuyển sinh các hệ cao đẳng, trung cấp.
Khủng hoảng chung sẽ chỉ dịu dần trong một vài năm tới khi một số trường cao đẳng, trung cấp buộc phải đóng cửa và thái độ của học sinh, phụ huynh về bậc học này khác đi.
Tuy vậy, dù trong giai đoạn nào, các trường cao đẳng, trung cấp ở khu vực phía Nam cũng "dễ thở" hơn so với phía Bắc do quan điểm về việc học của người Nam ít nặng nề bằng cấp hơn.
3. Đào tạo online phát triển
Hình thức này sẽ có nhiều cách thức triển khai chất lượng hơn, rẻ hơn và hướng tới "phân khúc" mới hơn.
Hoà chung xu hướng phát triển MOOCs (các khóa học đại trà trực tuyến) và e-learning trên thế giới, đào tạo online tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho các nhà giáo dục, kể cả các nhà giáo dục từ nước ngoài, tham gia thi thố tài năng và triển khai ý tưởng.
Trong năm 2016, những cách thức triển khai e-learning sáng tạo tương tự TOPICA, FUNiX có thể tiếp tục ra đời. Các "phân khúc" người học mới như người đi làm, về hưu, người trở về nước sau lao động xuất khẩu... sẽ được khai phá với những nhà cung cấp dịch vụ đào tạo online mới.
2016 cũng là năm Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy định mới về đào tạo cấp bằng từ xa thay cho quy định cũ đã quá lỗi thời (ban hành năm 2003).
4. Số lượng du học sinh tiếp tục tăng
Mặc cho kinh tế khó khăn, số lượng gia đình Việt Nam cho con em du học tiếp tục tăng mạnh. Bên cạnh các điểm đến truyền thống như Anh, Úc, Mỹ, Đức, Pháp, Nhật; những nơi mới rẻ hơn như Đài Loan, Thái Lan, Malaysia sẽ là lựa chọn phù hợp cho những gia đình có điều kiện kinh tế vừa phải.
Tổng chi phí cho việc "nhập khẩu giáo dục đại học" của Việt Nam sẽ vượt đáng kể mức 3 tỷ USD hiện nay.
5. Thị trường đại học liên kết quốc tế bị thu hẹp
Sau nhiều năm tăng trưởng, khu vực đại học liên kết quốc tế bắt đầu chững lại trong năm qua và sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm tới.
Một số chương trình liên kết, thậm chí sẽ phải dừng tuyển sinh hoặc đóng cửa vì thiếu sinh viên. Các dự báo số 1, 3, 4 cùng sự chững lại của dân số ở độ tuổi học đại học là nguyên nhân trực tiếp tác động lên khu vực này.
6. Kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế
Sẽ thêm nhiều trường đại học tham gia đánh giá, kiểm định chất lượng theo các chuẩn quốc tế. Trong khi hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng do Bộ GD&ĐT chủ trì vẫn còn quá nhiều bất cập, các trường có tầm nhìn xa sẽ không chờ đợi.
Họ chủ động tham gia sân chơi lớn cùng thế giới, bên cạnh các sân chơi quốc tế đã có sự hiện diện của đại diện Việt Nam như ABET, AUN, QS, CDIO....
7. Tiêu chuẩn đánh giá kết quả khoa học theo các chuẩn quốc tế như ISI, Scopus tiếp tục được cộng đồng khoa học thừa nhận.Sự thừa nhận này có thể được thể hiện qua việc nhiều chính sách trước đây mới dừng ở mức độ khuyến khích đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus nay chuyển sang thành bắt buộc.
Sự thừa nhận cũng có thể lan sang ngành nghiên cứu về khoa học xã hội – nơi vốn có mức độ quốc tế hoá chậm hơn các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ và y dược.
8. Sự tham gia tích cực và hiệu quả của xã hội dân sự vào việc phản biện, góp ý các chính sách. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội và sự cải cách không ngừng của báo chí chính thống theo hướng chuyên nghiệp hơn, những sáng kiến, đóng góp của các nhóm, cá nhân nghiên cứu độc lập với nhà làm chính sách sẽ có điều kiện phát triển nhiều hơn trong năm 2016.
Cũng không loại trừ khả năng thế hệ lãnh đạo mới của ngành, với nhận thức sâu sắc hơn về vai trò cùa truyền thông xã hội, sẽ giúp sự tham gia này trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn.
9. Tình trạng thiếu hút nhân lực khoa học trình độ cao tiếp tục là vấn đề đối với các trường đại học trong cả nước.
Bên cạnh việc chảy máu chất xám sang các nước phát triển và khu vực tư nhân trong nước, năm 2016, với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành, các trường đại học trong cả nước còn phải đối đầu với cạnh tranh từ phía các trường đại học, doanh nghiệp cũng rất năng động trong khu vực.
10. Các phương pháp dạy – học hiện đại vốn đã cực kỳ phổ biến tại đại học nước ngoài như kiến tạo (contructivism), học tập qua dự án (project based learning) hay học tập kết hợp (blended learning) tiếp tục không có chỗ đứng trong giảng đường đại học Việt Nam.
Thực trạng này chắc sẽ còn tiếp diễn một vài năm nữa cho đến khi nhiều trường ý thức rõ hơn vai trò của phương pháp dạy – học mới trong việc cạnh tranh với đối thủ và thu hút người học.
Phạm Hùng Hiệp, sinh năm 1984, hiện là nghiên cứu sinh ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan. Lĩnh vực nghiên cứu của Hùng Hiệp là Thương mại hóa, quốc tế hóa trong giáo dục đại học.
(Theo tintuc.vn)