Quảng Ngãi là vùng đất miền Trung có nhiều món ăn đặc sản ngon, trong đó có những món ăn từ lâu đã được người dân cả nước biết đến như quế Trà Bồng, cá bống sông Trà, kẹo gương… là những món ăn du khách không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến Quãng Ngãi.
Quảng Ngãi còn được biết đến với cái tên vùng đất núi Ấn sông Trà, và chính từ trong dòng chảy của con sông, địa hình của rừng núi đã sản sinh ra những sản vật, những món ăn dân dã thân quen, mang đậm dấu ấn của tình đất, tình người. Trong đó có 4 món có bốn đặc sản được xác lập Kỷ lục Việt Nam gồm cá bống sông Trà, món don, kẹo gương và quế Trà Bồng.
1. Cá bống sông Trà
Cá bống sông Trà ngon nhất vào khoảng tháng 5 âm lịch, đây là mùa cá trưởng thành và đẻ trứng, vào mùa này người ta bắt cá bống bằng cách thả những ống tre khô ở những chỗ nước trong không chảy. Không như con don cá bống thì ở đâu cũng có, vậy mà cá bống sông Trà thấm thía mùi đất, mùi nước của xứ sở đã mang trên mình hương vị kết tinh đặc trưng.
Một bí quyết để cá bống luôn thơm ngon, giữ được vị riêng là khi kho cá không bao giờ cho nước lã mà chỉ kho cá bằng thứ nước mắm và đường cát. Vì thế ngày nay, cá bống kho tiêu không chỉ là thương hiệu đặc sản ẩm thực của Quảng Ngãi mà còn là thông điệp từ văn hoá của những con người dân dã, mến khách của vùng núi Ấn – sông Trà.
2. Món don
Món này được chế biến từ con don. Don họ nhuyễn thể, thân có hai mảnh vỏ mỏng, màu vàng nhạt, độ lớn khoảng bằng ngón tay út, vỏ rất mỏng, phần ruột don có màu vàng nhạt có tua hồng bao quanh.
Món don tuy mộc mạc, lại không cầu kì, và được chế biến theo công thức giản dị mà không trùng lặp với bất kì món ăn nào trên đất nước ta. Bánh tráng sống và thịt don được cho vào tô chan nước luộc don thêm ngọt, đã có thêm gia vị ăn kèm với bánh tráng đã nướng giòn và những trái ớt chỉ thiên. Sức hấp dẫn của nó chính là ở hương vị nguyên sơ của sông nước Trà giang và ở lời ví von ngọt ngào của những chị bán don trong quán ăn dân dã.
3. Kẹo gương
Kẹo gương là loại kẹo đặc sản Quảng Ngãi có hường vị thơm ngon , vị ngọt ngọt , béo béo , dòn dòn .Kẹo gương trong như pha lê, sự kết hợp màu vàng ươm của đậu phụng, màu trắng vàng của mè và trong trắng của đường , tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một đặc sản ngon , nhưng rất dễ vỡ , làm cho người thưởng thức phải nâng niu trên tay như đồ quý giá.
Kẹo gương vừa rẻ, vừa đẹp, vừa ngon, màu sắc hấp dẫn, là món quà đặc sản và niềm tự hào của người con xứ Quảng. Nói đến Quảng Ngãi là nói đến kẹo gương. Vì vậy, bất kỳ du khách nào khi đi ngang qua Quảng Ngãi nếu muốn mua quà đều chọn kẹo gương đầu tiên. Kẹo gương được bán ở những tiệm tạp hóa trên đường Quang Trung và chợ Quảng Ngãi.
4. Quế Trà Bồng
Các tài liệu khoa học đã chứng minh giá trị y học rất cao của quế Trà Bồng khi sử dụng làm gia vị, hương liệu hoặc chiết xuất để lấy tinh dầu. Đặc biệt, có thể sử dụng vỏ quế, gỗ quế và lá quế làm nên các sản phẩm độc đáo, được thị trường ưa chuộng như đồ gỗ mỹ nghệ, bình, chén, hộp đựng trà. Cùng với các đặc sản của tỉnh, quế Trà Bồng với những lợi thế sẵn có, từng bước phát triển và hội nhập trở thành điểm nhấn ấn tượng và là quà tặng yêu thích phục vụ ngành du lịch trong và ngoài tỉnh.
Tổ chức Kỷ lục Châu Á thông báo, 8 đặc sản quà tặng Việt Nam vừa được xác lập là kỷ lục Châu Á mới. Các đặc sản này nằm trong hành trình quảng bá món ăn của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử lên Tổ chức Kỷ lục Châu Á. Trong số này có đặc sản quế Trà Bồng của Quảng Ngãi.
5. Mạch nha xứ Quảng
Mạch nha là món ngon Quảng Ngãi vốn nổi tiếng từ xưa. Theo Địa chí Quảng Ngãi, từ những năm 1930-1935, mạch nha Quảng Ngãi đã được trưng bày tại hội chợ ở Huế, Hà Nội và được công nhận là sản phẩm tiểu thủ công nghiệp xuất sắc. Triều đình Huế từng phong hàm “Cửu phẩm văn giai” cho nghệ nhân chế biến mạch nha.
Du khách khi rời Quảng Ngãi thường mua đặc sản mạch nha về làm quà cho người thân. Cắn miếng bánh tráng giòn rụm, vị ngọt thanh của mạch nha nơi đầu lưỡi như để lại dư vị ngọt ngào của vùng đất miền Trung đầy nắng gió…
6. Đường phèn, đường phổi
Từ rất lâu, người ta đã biết đến đường, một sản phẩm của cây trồng truyền thống trên đất Quảng Ngãi, đó chính là cây mía. Không chỉ với đường cát trắng, mà còn với những thứ đường được chế biến bởi bàn tay khéo léo của người dân quê tôi để tạo hương vị riêng đó là đường phổi, đường phèn.
Khi nấu đường phèn, người ta cho thêm vôi bột và trứng gà để biến chất dơ trong đường thành bọt. Đây là bí quyết để tạo nên thứ nước đường thanh, sạch và thơm.
7. Tỏi Lý Sơn
Đất trồng tỏi tại Lý Sơn được người dân pha trộn giữa đất đỏ của núi lửa và đất cát mịn ven biển theo một tỉ lệ bí mật của chính người dân tại địa phương. Với lượng đất đó cũng chỉ dùng 1 hoặc a 2 vụ là phải thay hoàn toàn phần đất trong ruộng để tránh sụt giảm về chất lượng tỏi. Cũng chính mức độ dinh dưỡng và tự nhiên của đất núi lửa và cát biển nên người dân trồng tỏi Lý Sơn không dùng bất kì một lại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào.
Tỏi Lý Sơn có màu trắng, không có màu vàng, Tép tỏi không to và bóng như tỏi Trung Quốc, Tỏi Lý Sơn ăn có mùi thơm dễ chịu, vị ngọt, ít cay và nồng hơn so với tỏi được trồng ở Khánh Hòa hay Phan Thiết vì tỏi Lý Sơn được trồng ở ngoài đảo, bốn bề là biển cả, nguồn nước là mạch nước ngầm dưới lòng đất, cát là những hạt được bào mòn từ rặng san hô biển, lòng đất là lớp đất đỏ bazan được hình thành do quá trình hoạt động của ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động cách đây hàng trăm năm.
8. Mắm nhum
Mắm nhum là món ăn quí hiếm. Nhum sống trong các gành đá ven biển ở Quảng Ngãi, nhưng nhiều nhất là vùng Lý Sơn, Sa Huỳnh, Mỹ Á. Nhum có hình dạng như quả cầu gai, đường kính từ 8 – 10cm, dày 3 – 4cm, và có nhiều loại: nhum mỡ, nhum bạc, nhum ta…, đặc biệt chỉ nhum ta, có vỏ màu đen là muối mắm được.
Nhum có thể ăn sống, kho, trộn thêm trứng và gia vị để chưng hoặc tráng chả. Muốn muối mắm thì cho thịt nhum vào thẩu, rắc một ít muối hạt lên trên. Khoảng 10 ngày sau là có thể dùng được. Để giữ được hương vị riêng của mắm nhum người ta hạn chế gia vị, thường chỉ có tỏi Lý Sơn và tiêu nguyên hạt.
9. Cá niên
Cũng như tấm lòng rộng mở của con người Quảng Ngãi, con sông Trà bao dung với tất cả những ai sống vì nó. Nếu nơi cửa biển, sông cho người con don; nơi dòng chảy quanh co đồng bằng; sông cho người cá bống thì ở đầu nguồn Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng sông cũng cho bà con một sản vật ngon không kém đó là cá niên.
Cách chế biến cá niên dân dã và thơm ngon nhất đó là nướng. Người ta đem nướng cá để nguyên cả bộ ruột, vì ruột cá niên ngon và hấp dẫn hơn ruột cá tràu.
10. Cúm núm sa huỳnh
Bãi biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) về chiều, khi nắng bắt đầu dịu, bóng rặng phi lao đen sẫm đổ dài bên mé biển là lúc những tay câu cúm núm rủ nhau ‘hành sự’.
Những cái bếp “dã chiến” đỏ hồng trong chiều muộn. Lẫn trong làn khói màu lam, xoắn xuýt trong mùi lá dương khô hăng hắc là mùi thơm mặn mà vị biển của vỏ cúm núm bắt lửa cháy sém. Bãi biển thênh thang gió nên làn hương cúm núm cũng tha hồ mà dang cánh bay xa. Nói không ngoa, biển chiều Sa Huỳnh đong đầy hương… cúm núm.
Thanh Xuân