Có thể nói, năm 2020 cùng với sự "phủ bóng" của đại dịch Covid-19 là những sự kiện đi vào lịch sử ngành Giáo dục Việt Nam.
Báo Dân trí điểm lại 10 sự kiện đáng chú ý nhất của ngành Giáo dục nước nhà năm qua:
Covid-19 phủ bóng toàn cầu năm 2020 và đảo lộn mọi lĩnh vực. Ngành Giáo dục Việt Nam đã chứng kiến một sự gián đoạn chưa từng có.
Tính đến ngày 15/2, đã có 63 tỉnh/thành trên cả nước tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng dịch Covid - 19. Trong đó, 56 tỉnh/thành cho học sinh nghỉ đến hết tháng 2/2020.
Học sinh Hà Nội chào cờ trong lớp học thời Covid-19.
Trước đó, ngày 1/2, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 266/BGDĐT-GDTC báo cáo về tình hình chỉ đạo phòng, chống, dịch của ngành Giáo dục và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh đã công bố dịch (Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa) cho trẻ mầm non, nhà trẻ, học sinh tiểu học, học sinh phổ thông nghỉ học.
Trường học đóng cửa, học sinh sinh viên nghỉ dài. Phun khử khuẩn tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM ở các khu vực liên quan đến bệnh nhân 1342 - học viên từng đến học tại trường vào ngày 22/11 (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Đối với các tỉnh, thành phố chưa công bố dịch, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định việc nghỉ học của học sinh trên cơ sở tham mưu, đề xuất của sở GDĐT và sở Y tế. Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về việc cho phép học sinh nghỉ học phòng chống dịch corona.
Hầu hết các trường phải đóng cửa suốt từ tháng 2 đến tháng 4/2020. Hàng triệu học sinh, sinh viên nói vui rằng, họ đã trải qua kỳ nghỉ Tết dài nhất trong lịch sử.
Việc quản con mùa dịch đã khiến nhiều phụ huynh "quay cuồng". Lắp camera giám sát, xin nghỉ làm trông con, "điều động" ông bà đến hỗ trợ… là nhiều phụ huynh thực hiện trong những ngày con nghỉ học ở nhà kéo dài tránh dịch Covid-19.
Trong bối cảnh trường học cả nước đóng cửa vì Covid-19, vai trò của đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để "không thể dừng việc học" được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết. Song điều thú vị là nhiều trường học của Việt Nam gây bất ngờ khi nhanh chóng chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến.
Thời điểm dịch Covid-19, với phương châm "tạm dừng đến trường, không ngừng học", 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy-học trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng. Với sự linh hoạt ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong GD-ĐT này, ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên.
Trong hoàn cảnh đó, sự quyết tâm của các cấp, sự nỗ lực của từng nhà giáo và sự ủng hộ của người dẫn đã giúp chúng ta có được một cuộc "đổi mới" chưa từng có về dạy học: Mọi cấp học, mọi địa bàn đã khẩn trương triển khai dạy học trực tuyến.
Theo thống kê, khoảng gần 80% học sinh Việt Nam đã học trực tuyến, xếp 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục để ứng phó đại dịch. Thành công này là cơ sở để Bộ GD&ĐT khởi động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục với kỳ vọng, 10 năm tới Việt Nam sẽ có một thế hệ công dân số.
Có thể nói, dịch Covid-19 vừa qua mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả dạy học online trong thời điểm dịch Covid-19 được đánh giá tốt.
Từ giải pháp thay thế, giáo dục trực tuyến dần trở thành xu thế.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.
"Mục tiêu của ngành GDĐT là cố gắng phấn đấu để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GDĐT, qua đó đóng góp đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định tại Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Bộ TT-TT tổ chức ngày 9/12/2020 tại Hà Nội.
Với tác động của dịch Covid-19, kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay có nhiều điều chỉnh, nhiều quy định mới trong công tác tổ chức thi chưa từng có trong lịch sử thi cử Việt Nam.
Thí sinh trong buổi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi THPT Việt Đức, Hà Nội. (Ảnh: Sơn Tùng).
Thí sinh được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phòng thi.
Kỳ thi chia làm hai đợt. Đợt một vẫn thi theo đúng kế hoạch, từ ngày 8 đến ngày 10/8, dành cho thí sinh ở các khu vực chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đợt hai, sẽ tổ chức thi sau, dành cho thí sinh ở các khu vực bị cách ly.
Lần đầu tiên tất cả các điểm thi được thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ trong, ngoài trước khi thi và thậm chí sau mỗi buổi thi. Trước cửa các phòng thi, ngoài danh sách thí sinh dự thi như mọi năm, năm nay còn có thêm nước sát khuẩn.
Thí sinh được phép mang một vật dụng không có trong quy chế thi, không phục vụ cho bài thi, nhưng cần thiết cho sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh, là chiếc khẩu trang.
Tháng 10/2020, các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa-Thiên Huế đến Quảng Nam, Quảng Ngãi oằn mình trong mưa lũ.
Bão chồng bão, lũ chồng lũ khiến cho hàng nghìn ngôi trường ngập chìm trong biển nước, hàng nghìn học sinh phải nghỉ học dài ngày, thậm chí lên tới cả tháng. Nhiều trường, học sinh "trắng" sách vở sau lũ.
Mưa lớn lại đổ xuống các tỉnh miền Trung gây lũ lụt khiến nhiều trường học, học sinh nơi đây "trắng" sách vở (Ảnh: Sơn Tùng).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh miền Trung do bão lũ diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Hàng chục giáo viên, học sinh thiệt mạng. Nhiều trường học ngập sâu. Thiết bị dạy học, sách vở bị cuốn trôi, mất mát và hư hỏng nặng. Sau bão, hầu hết các em học sinh ở vùng lũ đều bị thiếu sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Mức điểm chuẩn cao kỷ lục thuộc về trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội). Cụ thể, ngành Hàn Quốc học tổ hợp C00 của trường có mức điểm chuẩn 30 trong mùa tuyển sinh năm 2020. Được biết, ngành Hàn Quốc học là ngành mới tuyển sinh năm nay của nhà trường. Lãnh đạo trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, ngành Hàn Quốc học năm nay có 50 chỉ tiêu, trong đó đã có 30 thí sinh tuyển thẳng vào trường. Do vậy, mức điểm chuẩn vào trường mới tăng cao như thế.
Ngành Hàn Quốc học tổ hợp C00 của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có mức điểm chuẩn 30 trong mùa tuyển sinh năm 2020
Ngoài trường hợp điểm chuẩn cao ngỡ ngàng điển hình của trường này, các trường Đại học top đầu khác cũng gây choáng váng cho thí sinh khi các ngành học "hot" phải từ 28 điểm trở lên mới trúng tuyển. Thậm chí, thí sinh 29,04 điểm khối A vẫn trượt ngành Khoa học máy tính của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Điểm chuẩn đại học cao tập trung vào một số ngành hot là Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Đông Phương học, Báo chí, Y đa khoa...
Đề tài gây nhiều tranh cãi trong năm học qua là nội dung sách lớp 1 mới cải biên của ban biên tập SGK tiếng Việt của bộ Cánh Diều (1 trong 5 bộ SGK mới) xoay quanh nội dung truyện minh họa có sử dụng những từ ngữ không phù hợp với học sinh như: "Nhá cỏ", "nhá dưa", "quà…quà", "chén"… Đặc biệt sách có những câu chuyện, chi tiết bị cho là thiếu tính giáo dục mà điển hình là truyện con cò và hai con ngựa, vì nó mang màu sắc tiêu cực như "lừa lọc, khôn lõi" nhiều hơn là cổ súy sự tích cực cho các bé lớp 1, vốn như tờ giấy trắng mới bước vào trường.
Bộ SGK lớp 1 có nhiều lỗi, "sạn" gây lo lắng cho các bậc phụ huynh và người quan tâm giáo dục.
Bài "Hai con ngựa" sẽ được Bộ GD&ĐT chỉnh sửa hoặc thay thế nội dung cho phù hợp với học sinh lớp 1.
Trước phản ánh về việc sách giáo khoa (SGK) môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều (Sách do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phát hành) có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo trước ngày 17/10/2020.
Theo đó, thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều.
Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn.
"Không chỉ ngành ngôn ngữ Anh mà tất cả các ngành trường đại học Đông Đô thông báo tuyển sinh văn bằng 2 đều chưa được cấp phép", thông tin được Bộ GD-ĐT khẳng định trong văn bản trả lời báo chí ngày 17/8 gây "sốc".
Nhiều trường hợp sử dụng văn bằng cử nhân tiếng Anh do trường này cấp đều là những người có uy tín, địa vị xã hội… Đáng chú ý có 55 người dùng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ.
Về sai phạm nghiêm trọng trong đào tạo "chui" văn bằng 2 của trường ĐH Đông Đô, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Đây là dịp để tiếp tục chấn chỉnh đào tạo tại các trường. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm nếu như các đơn vị thuộc Bộ mà vi phạm".
Vốn là điểm sáng về tự chủ đại học, việc Đại học Tôn Đức Thắng cách tất cả các chức vụ trong đảng, cách chức Hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh khiến dư luận dư luận nổ ra cuộc tranh luận về tự chủ đại học, về nên hay không nên xóa cơ quan chủ quản.
Trao đổi về thông tin ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng nhận mức lương "khủng" 556 triệu đồng/tháng gây rúng động dư luận với những tranh cãi trái chiều, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay: Mức lương này được một Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan chủ quản của Đại học Tôn Đức Thắng) công bố với báo chí hôm 23/10.
Theo vị Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động này, Đại học Tôn Đức Thắng chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên chưa đảm bảo công khai, minh bạch, có chênh lệch lớn trong phân phối thu nhập giữa hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng với các phó hiệu trưởng và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Cụ thể, lương bình quân tháng 9/2020 của nhà trường như sau: Viên chức giảng dạy gần 24 triệu đồng, viên chức hành chính trên 22,5 triệu đồng. Riêng lương của ông Lê Vinh Danh là trên 556 triệu đồng, trợ lý của hiệu trưởng là gần 256 triệu đồng, người được giao phụ trách trường là gần 73 triệu đồng…
Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, sai phạm trên là một trong những lý do khiến ông Lê Vinh Danh bị cách chức.
Nói về mức thu nhập của bản thân, ông Lê Vinh Danh cho biết, trung bình mỗi tháng ông nhận 407 triệu đồng, sau khi đóng thuế và các khoản khác theo quy định, ông thực lãnh 286 triệu.
Đây là mức tổng gồm tất cả các khoản: lương theo ngạch, bậc nhà nước (giảng viên cao cấp, hệ số lương 6,92, phụ cấp chức vụ là 1.00, và phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định); các khoản phụ cấp (ăn trưa, trang phục, đi lại, thi đua...); thu nhập theo năng lực.
Đại diện trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng khẳng định, nhà trường chưa có bảng lương nào trả cho ông Danh mức lương 556 triệu/tháng. Tổng thu nhập thực lãnh của ông Danh là 286 triệu, bao gồm rất nhiều khoản cộng lại chứ không phải là lương.
Nhờ tự chủ, ĐH Tôn Đức Thắng đã "lột xác"... Thư viện của trường ĐH Tôn Đức Thắng đã kết nối với 9.000 thư viện của các trường đại học trên thế giới.
Năm 2020, các trường Đại học uy tín của Việt Nam như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Tôn Đức Thắng… tiếp tục thăng hạng trên các bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới như: QS, Thượng Hải, THE… sự bứt phá của các trường ĐH này cùng với sự xuất hiện các nhân tố mới như trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Công nghiệp TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM cho thấy, Đại học Việt Nam đang nỗ lực vươn tầm thế giới.
Năm qua, Việt Nam có 3 đại diện lọt vào bảng xếp hạng của Times Higher Education là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
3 trường đại học của Việt Nam lọt top 500 đại học hàng đầu Châu Á năm 2020.
Ngày 11/11, Tổ chức Varkey Foundation công bố top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Trong danh sách này có cô giáo Hà Ánh Phượng của Việt Nam.
Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ.
Cô giáo Hà Ánh Phượng (sinh năm 1991, dân tộc Mường) là giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ trở thành người Việt Nam duy nhất được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020.
Giải thưởng này được coi như "giải Nobel" về giảng dạy để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới.
Trước đó ngày 19/3, theo giờ London, Tổ chức giáo dục Varkey Foundation công bố danh sách "50 giáo viên toàn cầu" từ hơn 10.000 ứng viên.
Đây là một giải thưởng thường niên của Tổ chức Varkey Foundation (một Quỹ từ thiện toàn cầu tập trung vào việc cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục cho trẻ em kém may mắn) dành cho những giáo viên có đóng góp xuất sắc trong nghề dạy học.
Tại Việt Nam, cô giáo Hà Ánh Phượng (sinh năm 1991, dân tộc Mường), giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ là đại diện Việt Nam có tên trong danh sách top 50 này.
Sự kiện này gây tiếng vang lớn trong ngành giáo dục và truyền cảm hứng cho nhiều học sinh trên hành trình trở thành công dân toàn cầu, vươn ra thế giới.