10 sự kiện ngân hàng nổi bật nhất trong năm 2016 do BizLIVE bình chọn hằng năm nhằm đem đến cho độc giả, nhà đầu tư cái nhìn tổng quan nhất về những biến động của ngành ngân hàng trong 01 năm.
1. Năm đầu tiên thực hiện tỷ giá trung tâm
Bắt đầu từ ngày 04/1/2016, cơ chế tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước thực hiện và công bố hằng ngày. Ngày đầu tiên áp dụng, tỷ giá trung tâm là 21.896 USD/VND. Biên độ tỷ giá từ đầu năm đến nay là +/-3%.
Tỷ giá trung tâm bao gồm ba cấu phần: rổ các đồng tiền, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, các cân đối vĩ mô. Trong đó, rổ các đồng tiền gồm 8 đồng tiền được ước định là đồng tiền của các đối tác thương mại, đầu tư, vay nợ có ảnh hưởng nhất đối với Việt Nam.
2. Vị Thống đốc trẻ nhất lịch sử ngành ngân hàng đến nay
Ông Lê Minh Hưng, sinh năm 1970, đã được Quốc Hội phê chuẩn trở thành Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngay 9/4/2016.
Ông Hưng quê quán tại Sơn Tân, Hương Sơn, Hà Tĩnh, là con của cố Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương. Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Tổng hợp Saitama, Nhật Bản.
Năm 1993, ông Hưng là chuyên viên Phòng Quỹ Tiền tệ quốc tế, Vụ Quan hệ quốc tế, Ngân hàng Nhà nước.
Năm 1998 -2002: ông Hưng được bổ nhiệm vào vị trí Phó trưởng phòng, sau đó là Trưởng phòng, phòng Ngân hàng Phát triển châu Á, Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2009: ông Hưng giữ vị trí Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước.
2010: Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2011 – 11/2014: Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Từ tháng 11/2014 đến trước khi được bổ nhiệm làm Thống đốc: Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Hưng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
3. Nới room ngoại của MBBank
MBBank đã được nới room cho nhà đầu tư ngoại từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành đầu năm 2016 đã làm nức lòng giới đầu tư. Ngày 19/2/2016, MBBank đã bổ sung thêm 160 triệu cổ phiếu cho giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong năm 2016, Vietcombank và Vietinbank là 02 ngân hàng xin nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lần lượt lên 35% và 40%. Các ngân hàng này cho rằng đang phải đối mặt với áp lực tăng vốn trong khi áp dụng các chuẩn mực Basel II.
4. 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II
10 ngân hàng thương mại cổ phần tiên phong thí điểm trong việc áp dụng chuẩn Basel II, gồm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ACB, MBBank, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB và MaritimeBank.
Basel II với 3 trụ cột chính: Yêu cầu vốn tối thiểu dựa trên Basel I; Xem xét giám sát quá trình đánh giá nội bộ và sự đủ vốn của các tổ chức tài chính; Sử dụng hiệu quả công bố thông tin nhằm lành mạnh kỷ luật thị trường.
Một áp lực trong việc áp dụng Basel II, đó là tăng vốn đối với các ngân hàng để cải thiện hệ số CAR, đáp ứng yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
5. Tranh cãi cổ tức tại BIDV, Vietinbank
Hai ngân hàng lớn là BIDV chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,5% và Vietinbank không chia cổ tức đã khiến Bộ Tài chính cấp tốc gửi công văn đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và VietinBank chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia vào ngân sách Nhà nước.
Do đó, BIDV đã chia cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, với tỷ lệ 8,5%, tương ứng 2.905 tỷ đồng, cổ đông Nhà nước nhận về 2.767 tỷ đồng. Vietinbank cũng đã chi 2.600 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt 7%, trong đó cổ đông Nhà nước nhận về khoảng 1.675 tỷ đồng.
Ngân sách đã không bị “thất thu” khoảng 4.500 tỷ đồng.
6. Tiền tự dưng “bốc hơi” trong tài khoản khách hàng
Bùng nổ đầu tiên là vụ 03 khách hàng của Vietcombank bị mất tiển trong tài khoản, gồm: Hoàng Thị Na Hương (Hà Nội) liên tiếp bị trừ 500 triệu đồng trong tài khoản. Vũ Thành Phương (TP.HCM) bị quẹt mất 17 triệu đồng trong tài khoản thẻ Vietcombank Master Card Debit tại Tokyo. Lê Thị Quỳnh Nga (Đồng Nai) bị mất 592 đô la Singapore trong tài khoản thẻ Vietcombank Mastercard tại Singapore.
Vietcombank cho rằng khách hàng đã để lộ thông tin và mật khẩu khi giao dịch.
Khách hàng của VPBank bị “bay hơi” 11 tỷ đồng là công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân.
Khách hàng của Agribank là Nguyễn Thanh Huy (TP.HCM) tại Agribank bị rút mất 100 triệu đồng trong tài khoản Agribank.
Khách hàng của VIB mất 30 triệu đồng trong tài khoản thẻ visa MasterCard lại bị VIB đòi gần 90 triệu đồng, vì bị VIB tính nợ gốc và lãi và bị đưa vào diện nợ xấu của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Sau đó, VIB đã xóa nợ và xóa lịch sử tín dụng trên CIC cho khách hàng.
7. Đại án Phạm Công Danh gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB
Tòa án Nhân dân TP.HCM đã mở phiên sơ thẩm xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh ( Tập đoàn Thiên Thanh) cùng 35 bị cáo khác bị đưa ra xét xử vì hành vi đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.
45 luật sư tham gia bào chữa cho 36 bị cáo, bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho 158 người liên quan. Riêng bị cáo Phạm Công Danh có 5 người bào chữa.
Phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra trong 50 ngày, vượt dự kiến là 30 ngày.
Ngày 27/12/2016, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm, có 162 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, có 27 người kháng cáo
8. Nguyên Tổng giám đốc DongABank bị bắt
Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank và 3 nhân viên có liên quan đã bị bắt chiều tối ngày 9/10/2016 để phục vụ tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng.
Trước đó, ngày 13/8/2015, DongA Bank bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, do những vi phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng của một số cán bộ nguyên là lãnh đạo, quản lý của ngân hàng. Hiện Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của DongA Bank là nhân sự do Ngân hàng Nhà nước cử sang để chấn chỉnh lại hoạt động của ngân hàng này.
9. Eximbank và Sacombank nợ đại hội đồng cổ đông 2016
Eximbank trong năm 2016 đã 03 lần tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 không thành công do bất đồng giữa các cổ đông lớn. Lần thứ nhất được tổ chức lần thứ nhất vào ngày 29/4, Eximbank hoãn tổ chức do không đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Đến ngày 24/5, đại hội đồng cổ đông Eximbank tổ chức và lại đổ vỡ. Ngày tổ chức tiếp theo là 02/8/2016 cũng bị hoãn với lý do Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông.
Sacombank xin hoãn tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 sang tháng 6/2016, vì lý do trong năm 2015 ngân hàng đã thực hiện sáp nhập Southernbank. Trước đó, Sacombank cũng đã xin hoãn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015. Đến nay, chưa thấy Saombank tổ chức đại hội đồng cổ đông 2016.
10. Gói 30.000 tỷ đồng kết thúc sứ mệnh lịch sử
Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc đúng ngày 31/12/2016, sau 03 năm thực hiện. Từ lúc chỉ có 4 ngân hàng cho vay, gói 30.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước mở rộng lên 19 nhà băng để đẩy nhanh giải ngân.
Tính đến hết tháng 11/2016, chương trình đã giải ngân 29.239 tỷ đồng, trong đó 82% nguồn vốn này dành cho các cá nhân mua, thuê mua hoặc đầu tư cải tạo nhà để ở. Dư nợ đến 30/11/2016 đối với nhóm khách hàng cá nhân của gói 30.000 tỷ còn 20.650 tỷ đồng.
Tính đến nay, hơn 50.000 cá nhân, hộ gia đình đã cải thiện chỗ ở nhờ gói 30.000 tỷ đồng.
Linh Lan / BizLIVE