Ngày 30/12, Bộ Tài chính đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu ngành Tài chính năm 2015.
Ảnh minh hoạ. |
Theo Bộ Tài chính, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 được thực hiện trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục có diễn biến phức tạp, trong nước kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn không ít những khó khăn thách thức.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân cùng với quyết tâm của toàn ngành Tài chính từ trung ương đến địa phương, việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015 đã đạt được những kết quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Và với những kết quả đã đạt được trong năm 2015, ngành Tài chính đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu nhất của ngành Tài chính trong năm 2015. Cụ thể:
1. Hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước đạt xấp xỉ 957 ngàn tỉ đồng (tính đến 28/12/2015), góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội của đất nước.
2. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (trình Quốc hội, UBTV Quốc hội thông qua 03 Luật và 02 Nghị quyết; trình Chính phủ 18 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ 17 Quyết định; ban hành 192 Thông tư, Thông tư liên tịch).
3. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
4. Chính thức triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).
5. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý và đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường tài chính gồm: thị trường chứng khoán, nới room tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; thị trường trái phiếu Chính phủ; thị trường bảo hiểm;… góp phần quan trọng trong việc huy động vốn cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
6. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.
7. Quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất phát triển.
8. Hội nhập tài chính trong tiến trình cải cách kinh tế đất nước, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
9. Công tác tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực tài chính, những hoạt động và kết quả của ngành Tài chính đã phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội.
10. Ngành Tài chính tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống (28/8/1945-28/8/2015) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ IV và Đại hội Đảng các cấp.
Thanh Ngọc