Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, TP. Cần Thơ đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện và bước đầu giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới.
Diện mạo, vị thế và tiềm lực kinh tế của TP. Cần Thơ chuyển biến đáng kể và ngày càng thể hiện rõ nét là trung tâm trên nhiều lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và bước đầu hội nhập với khu vực và thế giới.
Cần Thơ từng bước khẳng định vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long
10 thành tựu nổi bật của Cần thơ gồm:
Một là, giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm cấp bách của những năm sau 1975, tiến tới trở thành địa phương có mức xuất khẩu hàng đầu vùng ĐBSCL. Giá trị xuất khẩu gạo đạt 412 triệu USD, xuất khẩu thuỷ hải sản các loại 485 triệu USD.
Hai là, giá trị sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ đạt gần 104.000 tỷ đồng/năm, nhiều mặt hàng sản xuất công nghiệp đa dạng,đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
Ba là, tiến từ kinh tế tập trung bao cấp, bán hàng theo tem phiếu, phục vụ nội địa là chính, dịch vụ hầu như không có gì, trở thành nền kinh tế thị trường, phát triển mạnh xuất khẩu và du lịch.
Bốn là, đời sống vật chất và tinh thần người dân TP. Cần Thơ không ngừng được cải thiện, từ thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm sinh hoạt khác, đến nay GDP bình quân đầu người đạt 79,26 triệu đồng/ năm.
Năm là, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội không ngừng tăng trưởng, năm 2015 ước đạt 60.000 tỷ đồng.
Sáu là, thu ngân sách đạt mức khá, đến cuối năm 2014 đạt 17.315 tỷ đồng, là địa phương duy nhất của vùng ĐBSCL điều tiết ngân sách về Trung ương.
Bảy là, hoạt động tài chính ngân hàng từ chỗ yếu kém, chậm chạp, đến nay trên địa bàn có 52 tổ chức tín dụng với 230 điểm giao dịch, tổng vốn dư nợ 41.500 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 48.200 tỷ đồng.
Tám là, kết cấu hạ tầng kỹ thuật từ chỗ yếu kém, đến nay, nhiều dự án công trình trọng điểm được đầu tư và khai thác, tạo sức lan toả và kết nối như: cảng biển Cái Cui cùng khu hậu cần logistic, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn 3.000MW, quốc lộ 1A, cầu Cần Thơ, quốc lộ 91B, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, tuyến Thới Lai - Đông Bình… giao thông nông thôn từng bước xây dựng và nâng cấp đồng bộ.
Chín là, bộ mặt đô thị ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, đạt tiêu chí đô thị loại I và là một trong 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương.
Mười là, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 36 xã trên địa bàn, đến cuối 2015 phấn đấu công nhận 10/36 đạt tất cả các tiêu chí, không còn xã đạt thấp hơn 11 tiêu chí.
Ông Trần Quốc Trung, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. Cần Thơ cho biết thêm, để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội xứng với vị thế trung tâm của vùng ĐBSCL, TP. Cần Thơ sẽ thực hiện những giải pháp trọng tâm, đồng bộ trong giai đoạn 2015 - 2020 như:Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với vị trí, vai trò là thành phố trung tâm, động lực của vùng. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách thu hút nguồn lực, phát triển doanh nghiệp, khoa học công nghệ… Phát huy hiệu quả, đa dạng hoá đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung cho phát triển công nghiệp để đạt mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Phối hợp, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án ưu tiên đầu tư do Trung ương làm chủ đầu tư. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của đô thị loại I, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Đồng thời tăng cường liên kết hợp tác sâu rộng, nhất là với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, trọng điểm phía Nam, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và tăng cường hội nhập quốc tế.
Huy Tự / baodautu.vn