Người dân đang đóng tiền khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: TL
Sau khi thực hiện thí điểm tại một số huyện, xã ở Phú Thọ và Bắc Ninh, bước sang năm 2017, ngành y tế và Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ thiết lập hồ sơ và quản lý hồ sơ chăm sóc sức khỏe cho 100% người dân trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Cơ quan BHXH Việt Nam, đối với những người có thẻ BHYT, thì kinh phí để thiết lập hồ sơ sức khỏe do quỹ BHYT chi trả. Cơ quan BHXH Việt Nam sẽ lập dự toán kinh phí bổ sung năm 2017 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ước tính khoảng 5.000 tỉ đồng). Những người chưa có BHYT (khoảng 18% dân số) sẽ do ngân sách địa phương và nguồn tài trợ chi trả (khoảng 720 tỉ đồng).
Theo đó, mỗi người dân sẽ có một cuốn sổ về tình trạng sức khỏe của mình. Ngoài ra, thông tin hồ sơ sức khỏe đó sẽ được thu thập vào hệ thống thông tin điện tử của BHXH Việt Nam và sẽ được chia sẻ cho tất cả hệ thống y tế của 63 tỉnh thành.
Dự kiến, hồ sơ sức khỏe sẽ bao gồm các dịch vụ khám tổng quát, cân nặng, chiều cao, sinh hóa máu, sinh hóa nước tiểu, siêu âm tổng quát, điện tim, khám mắt… được thực hiện tại các tuyến y tế cơ sở. Chi phí cho mỗi hồ sơ sức khỏe/năm là 60.000 đồng/người.
Tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội liên quan tới ngành y tế sáng nay (9-2), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Hà Nội gấp rút triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe cho người dân.
Hệ thống quản lý sức khoẻ toàn dân sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe, tiền sử bệnh tật của người dân khi có yêu cầu và theo quy định. Mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch...
Các cơ sở khám, chữa bệnh có thể lấy thông tin hành chính, lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để tham khảo cho công tác khám chữa bệnh, giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Hệ thống này cũng cảnh báo về thông tin y tế quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt quản lý, theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết hiện có đến 70% người bệnh ung thư ở Việt Nam đến bệnh viện khi bệnh đã nặng, tỷ lệ tử vong cao. Việc sàng lọc, phát hiện bệnh, quản lý sức khỏe từ sớm sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, chất lượng điều trị sẽ tăng và chất lượng sống của người dân cũng tăng lên.
Về vấn đề tài chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ chỉ cần thực hiện một lần khám để lập hồ sơ ban đầu. Kinh phí này sẽ do Cơ quan BHXH đảm bảo. Về vấn đề nhân lực, sẽ huy động sinh viên các trường y, thanh niên tình nguyện tham gia vào quá trình đón tiếp; mời các bác sĩ có kinh nghiệm tham gia các đoàn khám, kết hợp với tư vấn sức khỏe, đồng thời tiến hành tập huấn cho nhân viên y tế ở trạm y tế.
Thùy Dung / TBKTSG