Trong khuôn khổ hội nghị đầu tư, tỉnh đã trao quyết định đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 27.400 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh Bình Thuận thu hút được 126.000 tỷ đồng vốn đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận.
Trong khuôn khổ hội nghị đầu tư, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới hơn 27.400 tỷ đồng. Trong số này, các dự án đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo chiếm phần lớn với 9 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư là 21.013 tỷ đồng.
Theo ông Hai, Bình Thuận xác định ba lĩnh vực trụ cột để tỉnh phát triển bền vững là phát triển du lịch xanh bền vững, năng lượng tái tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.281 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư trên 230.000 tỷ đồng. Trong đó, có 113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,69 tỷ USD thuộc 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cụ thể các dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư kỳ này gồm có:
Dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo tại huyện Tuy Phong do CTCP Điện mặt trời Vĩnh Hảo đầu tư với tổng vốn 1.179 tỷ đồng, quy mô 29,99 MW.
Nhà đầu tư Công ty TNHH Năng lượng Xanh Eco Seido rót 1.650 tỷ đồng cho dự án Nhà máy điện mặt trời Eco Seido tại Tuy Phong (giai đoạn 1), quy mô 40 MW.
CTCP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời VSP Bình Thuận II với tổng vốn 1.183 tỷ đồng, quy mô 29,99 MW.
CTCP Năng lượng Pacific - Bình Thuận rót 695 tỷ đồng cho Nhà máy điện gió Thái Phong, quy mô 14,5 MW và 1.400 tỷ đồng cho Nhà máy điện gió Thái Hòa, quy mô 30 MW.
Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP đầu tư 700 tỷ đồng cho Nhà máy điện gió Hàm Kiệm, quy mô 15 MW.
Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex đầu tư 4.740 tỷ đồng vào Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2, quy mô 100 MW chia làm hai giai đoạn.
CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 và 2 đầu tư hai dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1 và 2 với tổng vốn lần lượt là 4.920 tỷ đồng và 4.546 tỷ đồng, quy mô 130 MW và 120 MW.
Ngoài ra còn có dự án Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, do CTCP Sữa Thông Thuận đầu tư 3.920 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam miền Trung rót 600 tỷ đồng cho dự án Khu chọn tạo tôm giống bố mẹ và sản xuất tôm giống theo tiêu chuẩn công nghệ cao.
CTCP Đầu tư Mãi Xanh chi 451 tỷ đồng, nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (trước mắt là nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2).
Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt đầu tư 210 tỷ đồng cho trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng công nghiệp.
Một số dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải đầu tư 950 tỷ đồng cho dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, Phan Thiết, CTCP Việt Hàn đầu tư khu du lịch Sweet Coconut Village, Địa ốc Hoàng Quân đầu tư Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né.
Hàng loạt dự án cam kết đầu tư vào Bình Thuận
Bên cạnh đó cũng có hàng loạt nhà đầu tư ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư vào tỉnh Bình Thuận, trong đó, các nhà đầu tư cam kết đầu tư nhà máy điện mặt trời gồm có: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư 5.600 tỷ đồng; Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đầu tư 1.500 tỷ đồng; Việt Ren đầu tư 3.600 tỷ đồng; Công ty năng lượng Mặt Trời Đỏ đầu tư 600 tỷ đồng; Công ty Năng lượng Everich đầu tư 6.000 tỷ đồng; liên doanh CTCP Năng lượng Dầu khí châu Á và Tập đoàn Valeco (Pháp) đầu tư 3.600 tỷ đồng.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai và các công ty thành viên đăng ký đầu tư ba dự án năng lượng với tổng vốn đầu tư hơn 13 nghìn tỷ đồng. Trong đó, DLG đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 200 MW, tổng vốn đầu tư dự án 6.000 tỷ đồng. Công ty Du lịch Đức Phú Gia đăng ký đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp Điện năng lượng tái tạo Đức Phú Gia tại với tổng vốn 2.800 tỷ đồng. CTCP Đức Thành Gia Lai đăng ký đầu tư Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 150 MW với số vốn là 5.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổ hợp nhà đầu tư EDF - Sojitz - Pacific - Kyushu đầu tư nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 với số vốn 2,2 tỷ USD (49.500 tỷ đồng).
Công ty Nông nghiệp Đô thị Dubai Việt Nam đầu tư 4.900 tỷ đồng cho khu đô thị nông nghiệp, dịch vụ sinh thái nghỉ dưỡng Bắc Bình, diện tích 1.755 ha.
Trường Văn / nhipcaudautu