Theo kế hoạch viêm vaccine Covid-19 giai đoạn 2021-2022 được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành ngày 6/3, các địa phương này gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên, Hà Giang.
Mục tiêu của kế hoạch là 95% những người có nguy cơ và cộng đồng được tiêm đủ mũi vaccine theo từng đợt.
Ở các địa phương nêu trên, 117.600 liều vaccine mua của Tập đoàn AstraZeneca được tiêm cho tuyến đầu chống dịch, gồm: nhân viên y tế đang điều trị ca nhiễm Covid-19; thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ; tổ Covid cộng đồng; tình nguyện viên; phóng viên; cán bộ lấy mẫu xét nghiệm; quân đội; công an.
Các đợt tiêm chủng tiếp theo sẽ được triển khai căn cứ theo tiến độ cung ứng vaccine thực tế. Bộ Y tế hướng dẫn theo từng đợt.
Ngoài các địa phương đang có dịch, những tỉnh, thành có đô thị lớn, mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, đầu mối giao thông quan trọng cũng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Hình thức tiêm vaccine Covid-19 theo chiến dịch tại chỗ và lưu động.
Ngân sách Trung ương sẽ chi cho việc mua vaccine, vật tư tiêm chủng (bơm kim tiêm, hộp an toàn); vận chuyển và bảo quản... Các tỉnh, thành cân đối được ngân sách sẽ chi ngân sách địa phương mua vaccine; vận chuyển và bảo quản vaccine từ Trung ương về địa phương và tại địa phương.
Cục Y tế dự phòng hướng dẫn tiêm chủng cho cơ sở khám chữa bệnh; giám sát sự cố bất lợi sau tiêm.
Việt Nam dự kiến nhận 150 triệu liều vaccine trong năm nay và đầu năm sau, chia thành 7 đợt, được cung ứng từ AstraZeneca, Covax và sản xuất trong nước. Ngày 24/2, hai lô đầu tiên với 117.600 liều đã về đến Việt Nam.
Ngày 8/3, các đơn vị bắt đầu tiêm tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, vùng có dịch, trường hợp được ưu tiên theo quy định của Chính phủ. Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine.