Tháng 11/2016, trong khi nhiều tỉnh, dự án thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) phải gạn lọc bớt như Đà Nẵng, Đồng Nai hay TP.HCM do không đáp ứng được các điều kiện quy hoạch địa phương thì nhiều tỉnh vẫn không thể thu hút được nổi một dự án FDI nào.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 11 tháng đầu năm 2016, cả nước thu hút được 18,1 tỷ USD vốn FDI cấp mới và tăng thêm, chỉ bằng gần 90% so với cùng kỳ năm trước.
Các lĩnh vực thu hút FDI nổi bật trong thời gian qua vẫn không thay đổi với công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, tiếp sau là kinh doanh bất động sản, khoa học công nghệ...
Hàn Quốc vẫn là nước có số dự án, vốn FDI vào Việt Nam lớn nhất trong năm 2016; Singapore và Nhật Bản lần lượt chia sẻ vị trí thứ 2 và thứ 3.
Nhiều địa phương không thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Theo các chuyên gia, đây là câu chuyện lựa chọn phát triển và đầu tư (ảnh minh họa xây dựng nông thôn mới)
Các địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất thời gian qua vẫn là Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... với nhiều dự án tỷ USD cả cấp mới và tăng thêm.
Tuy nhiên, đáng chú ý là tình trạng gia tăng số tỉnh không có dự án FDI trong 11 tháng qua so với thời gian trước đây. Cụ thể, năm 2015, số tỉnh "trắng" FDI là 9 tỉnh thành như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Phú Yên, Cà Mau, Đắc Nông và Bạc Liêu, thì 11 tháng năm 2016, có thêm các tỉnh như: Hậu Giang, Lâm Đồng, Tuyên Quang, Hòa Bình, Gia Lai.
Ngoài ra, số tỉnh có từ 1 - 2 dự án FDI trong cả năm cũng khá nhiều như: Lào Cai 1 dự án, Bình Thuận 1 dự án, An Giang, Yên Bái, Quảng Trị, Kon Tum, Đắk Lắk... đều 1 - 2 dự án. Trong đó số dự án này chỉ từ 1 - 5 triệu USD (22,7 đến hơn 100 tỷ đồng) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khai khoáng như Lào Cai, Yên Bái hay Đắk Lắk để khai thác quặng Apatit, quặng sắt...
Việc không thể thu hút được nguồn vốn FDI do nhiều tỉnh không được tự nhiên ưu đãi, địa hình đồi núi dốc, không có tài nguyên khoáng sản và nhân lực cho sản xuất quy mô lớn. Chính vì vậy, để duy trì phát triển các địa phương này, mỗi năm Nhà nước vẫn phải chi đầu tư từ nguồn ngân sách khá lớn bên cạnh việc giao toàn bộ 100% số thu ngân sách phục vụ các mục đích chi ngân sách của địa phương.
Theo số liệu quyết toán thu chi NSNN năm 2014, 14 tỉnh Trung du miền Núi phía Bắc, có số thu ngân sách địa phương (NSĐP) đạt hơn 52.156 tỷ đồng, tuy nhiên, số chi vượt lên 121.054 tỷ đồng, thiếu hụt hơn 68.898 tỷ đồng, số ngân sách Nhà nước (NSNN) phải bổ sung cho là hơn 78.826 tỷ đồng.
Đi đầu trong tỷ lệ thu không đủ chi ngân sách là Hà Giang khi số thu đạt 1.824 tỷ đồng, số chi đạt trên 9.237 tỷ đồng, NSNN phải bổ sung trên 7.631 tỷ đồng.
Tỉnh Lào Cai, số thu ngân sách địa phương cũng chỉ đạt 6.400 tỷ đồng, nhưng chi ngân sách lại trên 10.300 tỷ đồng, khiến ngân sách Nhà nước phải bổ sung thêm 5.600 tỷ đồng.
Tỉnh Phú Thọ, thu ngân sách cũng ở mức 5.100 tỷ đồng, trong khi đó chi ngân sách vượt trên 10.500 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước phải bổ sung hơn 5.600 tỷ đồng.
Bên cạnh việc không rút tỷ lệ tự thu - tự chi của các địa phương, mỗi năm ngân sách Nhà nước phân bổ lượng vốn lớn, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm, Ngân sách nhà nước đã phân bổ 156.500 tỷ đồng cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của các địa phương. Số chi bằng 80% chi ngân sách cho bộ, ngành và địa phương.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc phân bổ, cơ cấu lại luồng vốn ngân sách cần được đánh giá, xem lại từ cách thức đến hiệu quả thực hiện. Không thể bao cấp vốn đầu tư cho các tỉnh mà không có kiểm toán, đánh giá hiệu quả đầu tư. Lượng vốn đâu chỉ đổ vào các hạng mục phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo mà còn xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bao năm chúng ta chi vốn ngân sách cho đầu tư phát triển, nhưng câu hỏi đặt ra sao các tỉnh thu không đủ chi, vừa không tạo được động lực để thu hút FDI.
"Các tỉnh này cần xem lại bài toán quy hoạch như lợi thế sản phẩm địa phương là cái gì, đầu tư vào đâu và nguồn lực đổ vào đúng chỗ hay chưa? Rõ ràng nguồn đầu tư hiện nay là không hiệu quả, không đúng mục đích. Nếu giữ cách phân bổ nguồn lực như hiện nay, chúng ta không thể nói chuyện thắt chặt ngân sách và hiệu quả đầu tư ngân sách được", TS Cung nói.
Nguyễn Tuyền / dantri