Nghị định 99 quy định rằng tối đa trong thời hạn 6 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực (15/2/2020), các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định. Như vậy có nghĩa rằng từ nay đến ngày 15/8, việc thành lập hội đồng trường phải xong.
Tại hội nghị triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Nghị định 99), nhiều đại biểu băn khoăn về một số nội dung liên quan hội đồng trường và cơ chế phối hợp với Đảng ủy.
Cụ thể như nhiệm kỳ của hội đồng trường tính như thế nào?, có tính theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng không?; những hội đồng trường đã được thành lập trước ngày Nghị định 99 có hiệu lực sẽ được giải quyết ra sao?
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh nội dung Nghị định 99
Giải thích về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, các quy định trong luật 34 và nghị định 99 đã hướng dẫn rất chi tiết những vấn đề liên quan tới hội đồng trường. Theo đó, nhiệm kỳ của Hội đồng trường được tính từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Luật quy định nhiệm kỳ là 5 năm và nhiệm kỳ của Hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của Hội đồng trường.
Như vậy, đối với hiệu trưởng, Luật số 34 không quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng là bao nhiêu năm, nhưng Hội đồng trường sẽ quyết định nhiệm kỳ của hiệu trưởng trong thời hạn nhiệm kỳ của Hội đồng trường. Quy định này đã nêu rất là rõ trong Luật.
Liên quan đến tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học, bà Phụng chia sẻ, trong Nghị định 99 đã quy định, nếu sử dụng hội nghị đại biểu thì số đại biểu phải chiếm trên 50% so với tổng số, tức là người thuộc thành phần tham gia hội nghị đại biểu phải chiếm trên 50% so với tổng số; còn Hội đồng trường sẽ quyết định là khi nào thì hội nghị đại biểu, khi nào thì hội nghị toàn thể.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cũng giải đáp một số vấn đề khác liên quan đến Hội đồng trường, như thẩm quyền công nhận hội đồng trường của các trường đại học thành viên, việc thành lập hội đồng trường chưa đúng quy định của Luật hiện hành nhưng chưa hết nhiệm kỳ sẽ được giải quyết như thế nào.
“Nghị định 99 quy định rằng tối đa trong thời hạn 6 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực (15/2/2020), các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định. Như vậy có nghĩa rằng từ nay đến ngày 15/8, việc thành lập hội đồng trường phải xong” - Bà Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trước tiên mà mỗi cơ sở giáo dục cần làm là phổ biến, hướng dẫn, quán triệt sâu rộng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị định 99 và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, của cơ quan chủ quản, cũng như các văn bản khác đến từng giảng viên, người lao động trong nhà trường.
Tiếp đó, phải có kế hoạch chỉ đạo kiện toàn Hội đồng trường theo lộ trình quy định, tuyệt đối không vì năng lực hay trách nhiệm còn hạn chế mà để trễ quy định này. Người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm với cơ quan chủ quản về tiến độ, chất lượng kiện toàn Hội đồng trường.
Bộ trưởng cũng lưu ý các nhà trường cần có kế hoạch nâng cao năng lực quản trị, trước hết là Hội đồng trường, từng vị trí phải rõ vai trò, “đúng vai, thuộc bài”. Cùng với đó, tăng cường năng lực quản trị nội bộ của Ban giám hiệu, các vị trí chức năng, phòng, ban, khoa. Lãnh đạo nhà trường cần bám sát các mục tiêu đã được Hội đồng trường thông qua để đưa ra quyết định quản lý, không phải dễ làm trước, khó làm sau.
Theo Hồng Hạnh / dantri.com.vn