Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch bệnh Covid-19 kết thúc cuối quý I/2020 thì kim ngạch xuất khẩu của cả nước quý I giảm 21%, kim ngạch nhập khẩu giảm 13%, trong đó thị trường Trung quốc tương ứng giảm 25% và 12%. Nếu dịch bệnh kết thúc cuối quý II/2020 thì kim ngạch xuất khẩu của cả nước 6 tháng giảm 20,5%, kim ngạch nhập khẩu giảm 14,6%, trong đó thị trường Trung quốc tương ứng giảm 44,5% và 12,5%.
Báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Việc thực hiện hàng loạt biện pháp cứng rắn để ngăn dịch bệnh lây lan như hạn chế xuất nhập cảnh, tạm ngừng hoạt động trao đổi cư dân qua biên giới, cách ly các thành phố, hạn chế lưu thông tại hầu hết các địa phương của Trung Quốc và không có lực lượng hải quan, giao nhận hàng tại các cửa khẩu dẫn đến khả năng ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, trước mắt và trực tiếp nhất là xuất khẩu các mặt hàng nông sản mùa vụ (như thanh long, dưa hấu…). Tác động đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc vào thời gian dịch bệnh kéo dài. Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có xu hướng giảm do hoạt động sản xuất đang bị ngưng trệ.
Ảnh hưởng trực tiếp
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp là xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải. Nếu theo kịch bản 1- Dịch Covid-19 kết thúc cuối quý I/2020, xuất khẩu ước tính quý I đạt kim ngạch 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng 10,4%, hàng thủy sản giảm 11,4%. Về nhập khẩu, ước tính quý I kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 14 tỷ USD, giảm 13,6%. Ước tính nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng từ Trung Quốc giảm 11%, nguyên, nhiên, vật liệu giảm 16%, hàng tiêu dùng giảm khoảng 17%.
Kịch bản 2: Dịch Covid-19 kết thúc cuối quý II/2020. Theo đó, xuất khẩu ước tính quý II đạt kim ngạch 58,5 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 7,5 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng trên 19,1%, hàng thủy sản giảm 21,9%. Về nhập khẩu, ước tính quý II đạt kim ngạch nhập khẩu đạt 61,0 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 16 tỷ USD, giảm 17,6%. Ước tính nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng từ Trung Quốc giảm 10%, nguyên, nhiên, vật liệu giảm 24%, hàng tiêu dùng giảm khoảng 27%.
Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình khoảng 30% trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam và luôn có khoảng cách lớn so với các thị trường khách lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan... Cục Hàng không đã có lệnh tạm thời hủy tất cả các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc và ngược lại từ chiều ngày 01/2/2020, tỉnh Quảng Ninh đã đóng cửa tất cả các đường mở, lối mòn biên giới với Trung Quốc và Chính phủ đã tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc từ 30/1/2020 nên số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam giai đoạn có dịch là bằng 0.
Dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế, khách Trung Quốc chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/1 khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/1 khách. Theo tính toán, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.
Đối với lĩnh vực vận tải, vận tải hàng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch Covid-19 gây ra. Hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần. Về phía Việt Nam cũng từ 5 thành phố trên, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần. Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 01/02, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến.
Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá kịch bản tăng trưởng, trong trường hợp dịch Covid-19 kết thúc trong quý I thì theo giá so sánh giá trị tăng thêm ngành vận tải chỉ tăng 5,1% trong quý I và tăng 6,12% trong quý 2; trong trường hợp dịch được kết thúc trong quý II thì giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi chỉ tăng 5,1% trong quý I và 6% trong quý II.
Ảnh hưởng gián tiếp
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đang lây lan nhanh tại Trung Quốc gây ảnh hưởng tới sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam do kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc giảm, mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào thời gian và diễn biến dịch.
Theo dự kiến, nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối quý I/2020, khi đó, các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc giảm từ 250-300 triệu USD. Nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối quý II/2020, ước tính các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm giảm khoảng 600 - 800 triệu USD, tập trung vào các mặt hàng rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn phụ thuộc sâu vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các ngành hàng giảm nữa là cao su, cà phê, chè, thủy sản, dăm gỗ…
Các sản phẩm của ngành công nghiệp điện - điện tử là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc (gồm 2 nhóm hàng lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc năm 2019 là hơn 17,8 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là gần 19,7 tỷ USD). Trong đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.
Đối với ngành da giày, dệt may, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý II sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu theo đường biên giới (đường bộ), từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp…
Bộc lộ rõ điểm mạnh và điểm yếu
Trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch Covid-19 tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến: Nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,25% so với năm trước (giảm 0,55 điểm phần trăm so với NQ01), trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%. Nếu dịch Covid-19 được khống chế trong quý II/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 5,96% so với năm trước (thấp hơn 0,84 điểm phần trăm so với NQ01), trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.
Qua đợt dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Do vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần phải đẩy nhanh các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, các bộ, ngành và địa phương rà soát các thiệt hại về kinh tế - xã hội do dịch bệnh gây ra; đề xuất, kiến nghị các biện pháp hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân.
Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất. Khẩn trương hoàn thành thủ tục các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, đa mục tiêu, kịp thời khắc phục các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhằm hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng, miền và ngành, lĩnh vực…
Theo Quỳnh Chi / vccinews.vn