Cầu Cửa Đại được khánh thành đúng dịp 20 năm tái lập tỉnh như là dấu gạch nối của Quảng Nam từ hiện tại đến tương lai. Đứng trên cầu hướng về phía biển, màu xanh ngắt của trời in lên từng gợn sóng. Những đọt dừa nhọn hướng thẳng lên trời xanh, kiêu hãnh căng tràn sinh lực như Quảng Nam đang ở tuổi xuân thì.
20 năm ấy biết bao nhiêu tình
Đối với tạo hóa, 20 năm chỉ là chu kỳ của ngày và đêm. Đối với lịch sử nhân loại, 20 năm chỉ là một khoảng khắc. Đối với Quảng Nam, 20 năm, so với lịch sử phát triển hào hùng của địa phương cũng chưa phải là dài, nhưng 20 năm ấy, Quảng Nam đã đi được những bước đi vững chắc với nhiều thành công ấn tượng.
20 năm trước, khó hình dung được có một ngày, phía Tây Quảng Nam xa tít xanh thẳm cây rừng, nơi thâm sơn cùng cốc, luồn rừng lội suối cả tuần liền chưa đến được với những bản làng vùng xa, thì nay, tuyến Trường Sơn huyền thoại đã được đầu tư xây dựng. Trên cung đường này, những thị trấn, thị tứ như đô thị giữa rừng hiện lên khang trang, đời sống kinh tế, văn hóa của bà con các bản làng xa xôi, hẻo lánh được nâng lên rõ rệt.
Một góc thành phố Tam Kỳ, thủ phủ tỉnh Quảng Nam. |
Các đường trục ngang từ Quốc lộ 1A băng qua những thị trấn, thị tứ, thông thương với đường Hồ Chí Minh qua nước bạn Lào, Campuchia bằng cửa khẩu Bờ Y, Đắc Ốc, tạo bang giao gần gũi, keo sơn với nước bạn và đưa vùng biên khởi sắc đã được dựng xây.
Cũng ngần ấy năm, sông Thu Bồn vẫn bên lở bên bồi, là nhân chứng thủy chung chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của Duy Xuyên lam lũ, Điện Bàn cần cù, Hội An cổ kính... Là bệ đỡ những cây cầu huyết mạch quốc gia: cầu Câu Lâu, cầu đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Cửa Đại hiện đại, khang trang, cầu Giao Thủy nặng nghĩa, ân tình… đã đưa người dân xích lại gần nhau hơn. Cả vùng kinh tế, văn hóa phía Tây lâu nay vốn bị chia cắt về giao thương, “bỏ quên” trong gian khó được gắn kết và đánh thức.
Thời gian thoi đưa, cái tên Chu Lai trong kháng chiến nổi tiếng là vành đai diệt Mỹ. Án ngữ ở sân bay dã chiến Chu Lai là những chiếc máy bay ném bom của Mỹ - Ngụy, mang những ám ảnh thương vong, thì nay bầu trời Chu Lai đã thanh bình để hàng tuần, gần chục chuyến bay cất cánh đưa du khách, nhà đầu tư gần xa về với Chu Lai, Dung Quất với Quảng Nam, Quảng Ngãi và miền Trung.
20 năm, Chu Lai với bời bời cát trắng và lúp xúp sim mua, lỗ chỗ hố đạn bom sau chiến tranh, đã sừng sững mọc lên “người khổng lồ” Thaco mà bất cứ địa phương nào cũng ao ước...
Và bây giờ, 20 năm sau, từ Cửa Đại, Quảng Nam đang viết tiếp câu chuyện “Lọ lem” huyền diệu bằng những dự án đang chất chứa hy vọng của những tập đoàn lớn chuẩn bị đầu tư như Sungroup, Vingroup, PPCat, FLC...
Dải cát trắng Duy Xuyên - Thăng Bình - Tam Kỳ vốn hoang hoải dọc theo tuyến đường ven biển đẹp như một bức tranh, giờ đang “cựa mình” cho những dự án mới được “gieo trồng” và “bật mầm” vươn cao. Để từ đây, bóng dáng của những resort, khu nghỉ dưỡng, của đô thị hướng biển, của nhà máy hiện đại, công trường hối hả đang dần thành hình. Những đô thị lộng lẫy sẽ mọc lên, xóa đi hình ảnh những túp nhà gianh lam lũ trên trảng cát dài bỏng rát...
Vươn tới những thành quả cao hơn
TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam không ít lần nhắc lại rằng, đất Quảng đã trải qua nhiều cuộc tiếp biến văn hóa, nhân dân rất anh hùng trong công cuộc giữ nước, có truyền thống hiếu học và học giỏi, lao động cần cù và kiên nhẫn. Đây là tiền đề để xây dựng lên một vùng đất giàu mạnh.
Quảng Nam có lợi thế về phát triển du lịch và một số ngành công nghiệp, ít có lợi thế về sản xuất lương thực. Nhưng nhiều thời kỳ, hướng chủ yếu vẫn là sản xuất lương thực tự cấp, tự túc với hiệu quả thấp, không bù đắp được chi phí bỏ ra, không có tích lũy để phát triển. Tất nhiên, cơ cấu kinh tế như vậy có những lý do khách quan mà trong quá khứ chưa thể giải quyết.
Trước thực trạng ấy, theo ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ đầu mới tái lập tỉnh, với tư duy sáng tạo, đoàn kết thống nhất, nỗ lực vượt khó, đổi mới đường lối, cơ chế, chính sách, định hướng phát triển đúng đắn, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu bứt phá.
Những con số thống kê đã phản ảnh cơ bản mức sống người dân và tốc độ phát triển của địa phương: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 20 năm thực hiện đạt gần 160.000 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 21%, riêng năm 2016 thực hiện đạt gần 22.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm đạt gần 11%/năm; quy mô kinh tế đạt gần 80.000 tỷ đồng.
Năm 2016 là năm ghi dấu những đột phá mạnh nhất từ trước đến nay của tỉnh Quảng Nam trên tất cả các lĩnh vực, khi mà tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng/người/năm (tương đương 2.400 USD); tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 20.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,96 triệu đồng/người/năm; tuổi thọ bình quân đạt 74 tuổi…
Có những lĩnh vực ngành từ con số không tròn chĩnh khi tái lập tỉnh, nhưng đến nay đang đóng vai trò dẫn đầu và dẫn dắt các ngành khác của địa phương, khu vực và cả nước cùng phát triển, đó là ngành cơ khí và công nghiệp ô tô. Lại có những ngành đã xuất hiện hạt nhân kích thích ngành phụ trợ phát triển như công nghiệp dệt may, công nghiệp điện khí, du lịch - dịch vụ…
Những thành quả đạt được đã nâng tầm vị thế Quảng Nam trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khẳng định một Quảng Nam năng động, phát triển và có sức hút so với hai đầu đất nước.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tâm sự, thành quả đó là mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của bao thế hệ người Quảng Nam mới đạt được. Vì vậy, Quảng Nam không tự mãn, mà tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo, đột phá để đưa tỉnh phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn nữa.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần hồi phục, môi trường quốc tế thuận lợi, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng liên kết kinh tế và kết nối giữa các nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, cả nước đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016 - 2020), cơ hội cho các địa phương trong cả nước là ngang nhau, vấn đề là nội tại ở địa phương đó”, ông Thu phân tích thêm.
“Giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 10-10,5%; cơ cấu kinh tế ngành nông - lâm ngư - nghiệp trong GDP chiếm dưới 10%; GDP bình quân đầu người hơn 3.600 USD, lao động phi nông nghiệp trên 60%”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh bổ sung thêm. Đồng thời, kế hoạch thực hiện cho các năm tới cũng đã được vạch ra rõ ràng bằng việc tập trung ưu tiên đột phá chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính...
Những người lãnh đạo tiền nhiệm như ông Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ), ông Mai Thúc Lân, ông Vũ Ngọc Hoàng, ông Lê Trí Tập, ông Nguyễn Đức Hải... đã gây dựng lên một Quảng Nam phát triển vững vàng, viết nên câu chuyện huyền diệu về Quảng Nam sau những ngày tái lập gian khó. Và nay, sứ mệnh viết tiếp những trang vàng của Quảng Nam đang được đặt lên vai các lãnh đạo đương nhiệm, cũng như toàn thể cán bộ, nhân dân trong tỉnh.
Ý kiến - Nhận định Quảng Nam phải tiếp tục tiến lên một cách thông minh, vững chắc. TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, Quảng Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Từ một tỉnh thuần nông, chủ yếu là tự cấp tự túc lương thực, đến nay Quảng Nam là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp và du lịch vào loại khá, thu ngân sách từ 130 tỷ đồng, đến nay đã đạt gần 8.500 tỷ đồng, có thêm nhiều trường học và bệnh viện, đường ô tô và hệ thống lưới điện… Đạt được kết quả ấy là do hướng đi đúng và nỗ lực phấn đấu, có sáng tạo. Tất nhiên không tránh khỏi những khuyết điểm, sai lầm, cần nhìn rõ và sửa chữa kịp thời. Điều quan trọng hơn là sắp tới đây phải tiếp tục tiến lên một cách thông minh, vững chắc. Từ thực tiễn mà Quảng Nam cần đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục suy nghĩ và khẳng định về hướng đi, về chiến lược phát triển lâu dài. Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển. TS. Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư con người của Liên hợp quốc tại Việt Nam) Lợi thế của Quảng Nam là nằm giữa các cực tăng trưởng ở khu vực Duyên hải miền Trung như Dung Quất và Đà Nẵng, có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với cửa ngõ kết nối ra Đông Nam Á và thế giới. Đây là tiềm năng để phát triển kinh tế biển như vận tải, logistics. Bên cạnh đó, Quảng Nam có tiềm năng lớn về phát triển du lịch và hạ tầng, với các nguồn lực phát triển như: nguồn lực văn hóa và tự nhiên dồi dào, thuận lợi cho phát triển du lịch - thương mại - công nghiệp. Có cơ cấu dân số vàng và chính quyền năng động, sáng tạo, có nền tảng được xây dựng vững chắc là 20 năm tái lập tỉnh, chắc chắn Quảng Nam sẽ hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. |
Phương Hà / baodautu