Vốn được coi là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi TPP đi vào hiệu lực nhưng trước mặt, ngành dệt may sẽ phải đối diện với những thách thức không hề nhỏ.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm 2015 vẫn giữ vững vị trí thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm trở lại đây của toàn ngành vẫn giữ ở mức cao là 16,4% CAGR.
Tính đến giữa tháng 12 năm 2015, giá trị xuất khẩu hàng dệt, may đã đạt 21,6 tỷ USD (tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái , thấp hơn so với năm cùng kỳ 2014 là +16%). Nếu tính cả hàng xơ, sợi dệt và nguyên phụ kiện các loại, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt mức 25,3 tỷ USD (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014 là tăng 17%).
Theo chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 dự kiến đạt 27,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2014 nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra trước đó là 28 tỷ USD.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn tăng trưởng tại các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng đà tăng đã có phần chững lại do giá đầu vào giảm mạnh khiến giá đầu ra duy trì ở mức thấp và tỷ giá giữa USD/VNĐ liên tục tăng trong năm qua.
Ngoài thị trường Hoa Kỳ vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng với hai con số, các thị trường còn lại đều không còn tăng trưởng mạnh mẽ như trong năm 2014. Cụ thể, trong 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,88 tỷ USD (tăng 11,7%, thấp hơn cùng kỳ 2014 là tăng 11,85%); sang EU đạt 3,09 tỷ USD (tăng 3,5%, thấp hơn cùng kỳ 2014 là tăng 26%); sang Nhật Bản đạt 2,53 tỷ USD (tăng 6,2%, thấp hơn cùng kỳ 2014 là tăng 13,82%) và sang Hàn Quốc đạt 1,98 tỷ USD (tăng 1,3%, thấp hơn cùng kỳ 2014 là 36%).
Đáng lưu ý, trong 11 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại các thị trường trong khuôn khổ Hiệp định TPP tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 55% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Trong thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, ngành dệt may đang nhận được khá nhiều sự quan tâm và đánh giá cao về triển vọng phát triển do dệt may là một trong số ít ngành vẫn giữ được tăng trưởng dương và ổn định. Trong năm 2016, ngành đặt mục tiêu xuất khẩu ở mức 31 tỷ USD.
Bên cạnh đó, dệt mang đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do TPP – EU – Hàn Quốc – Liên minh Thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan).
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), bức tranh triển vọng của ngành dệt may trong năm 2016 cũng tồn tại không ít khó khăn và thách thức. Chính sách lương thay đổi, áp lực tỷ giá giữa các quốc gia trong vùng và các ràng buộc kèm theo khi gia nhập FTA khiến một số lợi thế cạnh tranh của ngành cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu như trước đây, nhân công rẻ là một trong những lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam thì giờ đây, lợi thế này đang dần mất đi khi lương cơ sở và lương tối thiểu đều được Chính phủ điều chỉnh tăng từ năm 2016.
Cụ thể, lương cơ sở tăng từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) sẽ kéo theo chi phí phải trả BHXH của người sử dụng lao động. Tương tự, lương tối thiểu mới sẽ ở mức 106,67 - 155,56 USD/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu tại một số nước xuất khẩu dệt may đối thủ như Bangladesh (67 USD/tháng), Myannmar (82,96 USD/tháng), Mông Cổ (96,34 USD/tháng), Pakistan (93,5-112,2 USD/tháng), Campuchia (124,21 USD/tháng)…
Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá khiến giá hàng xuất khẩu kém cạnh tranh, xu hướng phá giá đồng nội tệ so với đồng USD của các nước xuất khẩu dệt may đang diễn ra mạnh mẽ.
Mặc dù Chính phủ đã ứng biến linh hoạt hơn trong việc đưa ra các giải pháp về tỷ giá nhưng những động thái này vẫn chưa mang tính quyết liệt so với các nước đối thủ. Do vậy,VCBS cho rằng xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng sẽ diễn biến theo chiều hướng giảm trong năm 2016.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được điều kiện để hưởng lợi về thuế từ các hiệp định FTA, đặc biệt là điều kiện về nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay, 70-80% nguyên vật liệu dệt may hiện nay vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và các nước ngoài khu vực FTA.
Sản phẩm sợi và vải sản xuất nội địa chưa đa dạng, chất lượng chưa cao nên chỉ sử dụng được 20-25% sản lượng cho ngành may xuất khẩu. Trong khi đó, hai hiệp định FTA lớn nhất của Việt Nam là TPP và Việt Nam – EU đều có những quy định khá khắt khe đối với hàng hoá được hưởng ưu đãi thuế.
Cụ thể, TPP yêu cầu nguồn gốc xuất xứ “từ sợi trở đi” còn FTA Việt Nam – EU yêu cầu “từ vải trở đi” đối với các sản phẩm dệt may xuất nhập khẩu trong khu vực hiệu lực của thương mai tự do. Do vậy, mặc dù thị trường TPP và EU rất tiềm năng nhưng trong ngắn hạn, phần lớn các sản phẩm dệt may hiện nay của Việt Nam sẽ khó được hưởng lợi được về thuế xuất nhập khẩu.
"Với những diễn biến vĩ mô không mấy tích cực, năm 2016 được dự đoán sẽ là một năm khó khăn đối với ngành dệt may nói riêng và với các ngành xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Do vậy, chúng tôi cho rằng mục tiêu xuất khẩu dệt may đạt 31 tỷ USD sẽ khó thực hiện", VCBS cho biết.
Về dài hạn, câu hỏi đặt ra cho ngành dệt may là liệu việc hưởng lợi từ thuế xuất nhập khẩu với các thị trường tiêu thụ lớn có bù đắp lại được rủi ro tỷ giá và rủi ro chi phí sản xuất ngày càng tăng hay không?
Và ai sẽ là người cuối cùng được hưởng lợi từ FTA, các doanh nghiệp Việt Nam hay FDI khi các doanh nghiệp dệt may có vốn FDI, đặc biệt là vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam đang liên tục đầu tư xây dựng nhà máy với công nghệ sản xuất tiên tiến hơn, quy mô lớn hơn và giàu kinh nghiệm sản xuất hơn.
Để trả lời được câu hỏi này, sẽ cần thêm thời gian quan sát và đánh giá riêng đối với từng doanh nghiệp trong ngành.
Theo Trần Thúy / BizLIVE