2015 là một năm trầm lắng của lĩnh vực xuất khẩu thủy sản khi sụt giảm gần như trên hầu hết các phương diện. 2016 được dự báo sẽ khởi sắc hơn, có thể tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, điều này không dễ với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2015, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đều giảm - Ảnh: Huy Hùng |
Sụt giảm toàn diện
Theo VASEP, năm 2015, giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với năm 2014. Nguyên nhân do giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực như tôm, cá tra giảm đều giảm, đặc biệt là mặt hàng tôm có giá trị xuất khẩu giảm đến 25% so với năm trước.
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP giải thích, yếu tố tỷ giá của đồng nội tệ các nước có xuất khẩu thủy như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… đều giảm mạnh so với USD; trong khi, đồng nội tệ của Việt Nam chỉ giảm 5% nên tính cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam không bằng sản phẩm tương tự ở những nước nói trên. Bên cạnh đó, ba thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật đều có những khó khăn. Cụ thể, tại thị trường Mỹ, cá tra đang gặp rào cản về thuế bán phá giá, những quy định trong đạo luật Farm Bill 2014 hay sự cạnh tranh từ những sản phẩm thủy sản có thể được thay thế con cá tra như cá tuyết, cá minh thái. Còn hai thị trường là EU, Nhật Bản tuy không gặp khó về những “hàng rào kỹ thuật” nhưng lại đối diện với vấn đề tỷ giá khi giá đồng Euro và Yên liên tiếp giảm giá so USD.
Theo VASEP, năm 2016 sẽ tiếp tục xu hướng giảm giá từ năm 2015 do tác động của một số yếu tố cơ bản như kinh tế thế giới suy thoái, đặc biệt là các thị trường chính, nhu cầu tiêu thụ giảm, nhiều đồng tiền mất giá so USD kết hợp với sự gia tăng nguồn cung thủy sản. Vì thế, có thể, các nước bắt đầu vào một cuộc chiến giảm giá các mặt hàng thủy sản, đặc biệt là mặt hàng thủy sản cao cấp. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo giá tôm thế giới sẽ tiếp tục giảm trong dài hạn do nhu cầu tiêu thụ yếu của các thị trường truyền thống, những biến động vĩ mô tại các thị trường mới nổi và dư cung tại các nước sản xuất hớn. Cụ thể, giá tôm năm 2016 sẽ giảm 4%, năm 2017 giảm 7%... và tiếp tục giảm, đến năm 2020, giá tôm sẽ giảm 13% so năm 2015.
Vấn đề tỷ giá
2015 là năm ghi nhận sự “đánh mất thị phần các thị trường” của thủy sản Việt Nam do tỷ giá giữa đồng nội tệ của các quốc gia xuất khẩu thủy sản đang cạnh tranh với Việt Nam so USD. Và nỗi lo này vẫn là sự “ám ảnh” đối với doanh nghiệp thủy sản trong năm 2016 tới đây. Dù không ai đưa ra dự đoán đồng tiền nội tế các nước (như đồng Real của Brazil, Rupee của Ấn Độ, Rupial của Indonesia, Baht của Thái Lan) giảm giá bao nhiêu nhưng chỉ cần một vài quốc gia “phá giá” đồng tiền của mình thì sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam “lãnh đủ”. Vì thế mà doanh nghiệp dùng cụm từ “nỗi lo thường trực về tỷ giá” là vậy.
Tại sao, doanh nghiệp lại lo nhất về tỷ giá. Đơn giản, giá thành sản xuất thủy sản của Việt Nam hiện đang cao hơn mức trung bình của các nước khoảng 1 - 2 USD/kg, và khoảng cách này khó mà rút ngắn trong thời gian tới.
Nguyên nhân được đại đa số doanh nghiệp đưa ra là do lâu nay ngành nuôi trồng thủy sản quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài (từ khâu con giống, thức ăn, thuốc thú y); vì thế, rất khó để kiểm soát giá cả và chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp chỉ ra, hiện giá tôm giống của Việt Nam cao gấp 2 lần so với Ấn Độ, chi phí cho thức ăn chăn nuôi cũng cao hơn các nước khoảng 40%, trong khi đó, yếu tố môi trường, dịch bệnh, tỷ lệ tôm nuôi không thành công của Việt Nam thấp. Do đó, dễ hiểu vì sao giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao hơn các nước, điều này đương nhiên ảnh hưởng đến yếu tố cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Với mặt hàng cá tra, trong năm 2016 sẽ tiếp tục đối diện với một loạt những khó khăn như thuế bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ và sự cạnh tranh với những sản phẩm có thể thay thế cá tra như cá tuyết, cá minh thái. Ngoài mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra, thủy sản đánh bắt như cá ngừ, mực, bạch tuộc cũng có những vấn đề riêng lẻ. Cụ thể, cá ngừ Việt Nam sẽ phải đối diện với thuế nhập khẩu cao trong hai năm tới tại các thị trường cho đến khi những hiệp định thương mại, Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương có hiệu lực. Và, nếu có được giảm thuế thì cá ngừ Việt Nam vẫn phải đối mặt với những quy định khắt khe của EU như quy định về chống khai thác bất hợp pháp và công báo cáo, không theo quy định giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các lô hàng đánh bắt, sản xuất…
Theo VASEP, năm 2016 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại. Xuất khẩu tôm là 3,3 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2015; cá ngừ khoảng 507 triệu USD, tăng 8%; các sản phẩm mực, bạch tuộc là 470 triệu USD, tăng 10%.
Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam