Cơ may giá cà phê thế giới tăng trong những tháng đầu năm 2017 vẫn còn. Ảnh: Mai Lương
Hiếm thấy có năm nào như 2016, giá cà phê càng về cuối năm càng cao. Ảnh hưởng chuỗi giá tăng ấy ở thị trường trong nước và trên sàn kỳ hạn cà phê robusta kéo đến tận những ngày đầu năm mới 2017 chưa muốn dừng.
Xuất khẩu mạnh, giá cứ tăng
Cà phê càng xuất bán nhiều chừng nào, giá càng vững và cao chừng nấy. Kết thúc năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 1,79 triệu tấn cà phê đạt kim ngạch chừng 3,5 tỉ đô la Mỹ, được cho là năm (tính theo niên lịch) có khối lượng cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay.
Dù nước xuất khẩu robusta số 1 thế giới bán ào ạt đến vậy, báo cáo định kỳ tháng 12-2016 của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) nhận thấy rằng lượng cà phê robusta xuất khẩu toàn cầu suốt 12 tháng vẫn giảm 7,7% xuống còn 40,5 triệu bao (60 ki lô gam/bao) nhưng arabica tăng 3,9% lên 71,9 triệu bao.
Tác động cung - cầu: chỉ là chuyện nhỏ
Xét trên góc độ cung - cầu, thị trường cà phê thế giới chưa đến nỗi thiếu hụt, ICO chia sẻ như vậy trong báo cáo mới phát hành. Dẫu robusta có thiếu chăng nữa, sẽ có lượng arabica được mùa từ các nước Trung và Nam Mỹ bù đắp.
Arabica là loại cà phê thơm, dịu, quyết định chất lượng ly cà phê, hàng năm chiếm xấp xỉ hai phần ba tổng lượng giao dịch toàn cầu. Robusta hay còn gọi là cà phê vối, thường được sử dụng để pha trộn và chế biến cà phê hòa tan, một thức uống công nghiệp tiện dụng. Thế mà đợt tăng giá trên thị trường robusta trải dài từ tháng 3-2016 đến nay, khá lâu bền, từ gần mức thấp 1.300 đô la Mỹ/tấn hồi đầu năm lên trên 2.200 đô la/tấn vào cuối năm, kéo đến tận đầu năm 2017 (xem đồ thị). Giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên theo nhịp tăng giá kỳ hạn, từ 30 triệu đồng/tấn lên 46 triệu đồng/tấn, nay đang quanh mức 45 triệu đồng/tấn.
Nếu chỉ dựa trên yếu tố cung - cầu để cho rằng sản lượng và mức xuất khẩu robusta thiếu nên giá nội địa và thế giới tăng là chưa đánh giá hết các góc khuất của thị trường. Thực tế thời tiết thất thường hiện nay ở Việt Nam đang làm nóng giá trên sàn kỳ hạn và cả ở thị trường nội địa do cà phê niên vụ mới 2016/2017 ra chậm, ảnh hưởng nhất thời đến tiến độ giao hàng. “Ít thấy năm nào đến tháng 12 còn mưa bão, thậm chí đến nay, nhiều nơi ở Tây Nguyên vẫn thiếu nắng, ảnh hưởng đến thu hái và phơi sấy cà phê niên vụ mới”, ông Trần Văn Tám, chủ vườn ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, cho biết.
Một số người kinh doanh trên sàn kỳ hạn cho rằng nếu khi nào cũng dùng thước đo bằng giá nhảy múa cao thấp hàng ngày trên sàn để nói đó là do cung - cầu chi phối, nhà kinh doanh cà phê dễ đi đến chủ quan, lạc định hướng, từ đó gặp rủi ro do chính quyết định của mình.
Diễn biến giá kỳ hạn robusta London năm 2016 và đầu năm 2017.Nguồn: ft.com |
Hoạt động đầu cơ và dòng vốn
Đồng ý là giá tăng có thể bắt đầu bằng những thông tin bất thuận cho sản lượng như thời tiết chẳng hạn..., nhưng các tay đầu cơ biết lợi dụng điểm này để hướng tâm lý hám lợi và dư luận thị trường vào mục tiêu kiếm tiền của họ.
Khi biết tin các vùng sản xuất cà phê robusta như Brazil, Việt Nam bị khô hạn do thời tiết bất thường, các quỹ đầu cơ nhanh tay nắn dòng vốn về, tập trung mua khống một lượng hàng giấy cực lớn trên sàn kỳ hạn. Từ khoảng 25.000 tấn cuối năm 2015, các quỹ đầu cơ đã tích tụ đến chừng 370.000 tấn - lượng dư mua hàng giấy, và đến cuối năm 2016, họ vẫn còn giữ chừng 320.000 tấn mua khống. Đấy là những con số dư mua cao kỷ lục và cũng chính là quả bom nổ chậm cho giá cà phê robusta nay mai.
“Hàng giấy” là các hợp đồng mua bán chủ yếu được thanh toán bù trừ bằng các chứng từ tài chính có giá. Nếu chủ nhân lượng dư mua này quyết định thanh lý bằng cách bán ra thì bấy giờ là “giá họa” cho người sản xuất cà phê hàng thực. Đáng tiếc rằng nhà đầu cơ làm vì túi tiền của họ và cổ đông của họ, bất cần biết cà phê đâu đó được hay mất mùa.
Sàn cà phê robusta sử dụng đồng đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán. Việc tăng lãi suất đồng tiền này sẽ ảnh hưởng xấu đến giá cà phê. Thường giá trị đồng đô la Mỹ tăng, giá hàng hóa giảm. Giá kỳ hạn cà phê sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu như đồng nội tệ các nước xuất khẩu yếu trước một đồng đô la mạnh. Đó là điều kiện nảy sinh áp lực bán hàng thực từ các nước xuất khẩu cà phê làm giá kỳ hạn cà phê giảm.
Nếu như đồng đô la Mỹ quá mạnh, dự kiến trong năm 2017, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng tiền này thêm 0,75% sau khi tăng 0,25% cuối năm ngoái. Có khả năng xảy ra tình trạng đồng nội tệ các nước sản xuất và kể cả đồng đô la Mỹ bị lạm phát. Ở trường hợp này, có thể cầu may rằng giới đầu cơ lại chọn sàn cà phê làm nơi trú ẩn để tránh những bấp bênh, rủi ro do chính sách tiền tệ gây nên. Nếu đúng vậy, hy vọng dòng vốn lại chảy vào sàn giúp giá cà phê vững hoặc tăng thêm.
Một hãng thông tin tài chính mới đây cho biết hiện nay ở Trung Quốc, các sàn kỳ hạn hàng hóa đang mở cửa thu hút nguồn vốn và cho phép mọi thành phần tham gia kinh doanh. Nghe rằng có đến 5.000 công ty môi giới và quản lý quỹ tham gia hoạt động, không ít đơn vị quản lý số quỹ lên đến 1,4 tỉ đô la Mỹ (tương đương với 10 tỉ nhân dân tệ). Đây là một nguồn vốn lớn có thể khuynh đảo giá các thị trường kỳ hạn gồm những tay chơi không chuyên nghiệp lẫn chuyên nghiệp. Giá hàng hóa nói chung, cà phê nói riêng, lại phải đối mặt với sự tăng giảm thất thường từ nguồn vốn và lực lượng kinh doanh này.
Trữ hàng: có đủ sở hụi?
Rủi ro trong kinh doanh cà phê năm 2017 còn rất lớn. Các yếu tố cung - cầu, thiếu hụt sản lượng đã được các quỹ đầu cơ khai thác triệt để và đang phát huy tác dụng tích cực, chí ít cũng từ ba đến sáu tháng đầu năm 2017.
Quả bom “hẹn giờ” là lượng dư mua hàng giấy của sàn kỳ hạn cà phê robusta sẽ nổ tung bất kỳ lúc nào khi các quỹ đầu cơ thấy không còn hứng thú với sàn cà phê, như xuất khẩu nhiều, sự biến động chính sách tiền tệ bất lợi cho việc ôm trữ hàng giấy, hay sự thiếu thanh khoản do lượng dư mua lớn...
Như vậy, cơ may giá cà phê thế giới tăng trong những tháng đầu năm 2017 vẫn còn. Những tháng cuối năm là lúc các quỹ đầu cơ thanh lý lượng mua khống cộng với áp lực bán ra do xuất khẩu cà phê từ các nước lớn như Brazil, Việt Nam, Colombia...
Giá cà phê nguyên liệu trong nước hiện nay chừng 45 triệu đồng/tấn, là mức cao. Trước một thị trường bấp bênh, nhận định giá càng về cuối năm 2017 càng thấp, liệu lợi hay hại khi quyết định rủ nhau trữ hàng cà phê chờ giá để kiếm lời?
Nguyễn Quang Bình / TBKTSG