2,6 tỷ USD, tương đương khoảng 60.000 tỷ đồng là tổng mức thiệt hại do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra mỗi năm cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó, nông dân là đối tượng thiệt hại nặng nề nhất.
Con số thiệt hại gây sốc này đã được công bố tại Hội thảo quốc gia “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam” do Bộ Công thương vừa tổ chức.
Theo Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, tuy nhiên, vẫn không ngăn nổi tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tràn ngập thị trường.
Các đơn vị sản xuất phân bón quy mô lớn thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và một số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (Phân bón Việt Nhật, Ba Con Cò...).
Hàng tỷ USD "trôi sông" vì nạn phân bón giả hoành hành.
Doanh nghiệp tư nhân chiếm đa số trong các doanh nghiệp sản xuất phân bón, ngoại trừ một số cơ sở được đầu tư khá bài bản, hầu hết đều nhỏ lẻ, mức đầu tư thấp, sản xuất theo mùa vụ, công nghệ đơn giản, một số doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu về điều kiện sản xuất phân bón như trang thiết bị, nhà xưởng, phòng thử nghiệm phân tích chất lượng.
Có tới 70% số lượng doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ cả nước, tập trung tại một số tỉnh Long An, Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang và TP. Hồ Chí Minh
800 DN sản xuất này đã đáp ứng được gần 80% tổng nhu cầu tiêu dùng; riêng phân đạm urea cung vượt cầu khoảng 400.000 tấn, phân lân, phân hỗn hợp NPK cơ bản đáp ứng, DAP đáp ứng 65% nhu cầu.
Chỉ có phân kali và SA hiện nay chưa sản xuất được do không có lợi thế về nguyên liệu, phải nhập khẩu hoàn toàn.
Nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó, phân bón vô cơ chiếm khoảng 90% nhu cầu, phân hữu cơ và phân bón khác chiếm phần còn lại.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng phân bón đạt 793.000 tấn, trị giá 280 triệu USD giảm 25,2% về lượng và trị giá so với năm 2014.
Thị trường xuất khẩu phân bón chủ yếu là các nước thuộc khu vực Đông nam Á, trong đó Campuchia là thị trường lớn nhất, tiếp theo là các thị trường Hàn Quốc, Malaixia, Philipin chiếm tỷ trọng lần lượt khoảng 10%, còn lại là Thái Lan, Lào…
Xuất khẩu chưa đầy 300 triệu USD, nhưng nhập khẩu lại lên tới hơn 1,42 tỷ USD. Cụ thể, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng phân bón năm 2015 đạt 4,505 triệu tấn, trị giá 1,42 tỷ USD tăng 18,7% về lượng và 14,5% về trị giá so với năm 2014, trong đó Trung Quốc là thị trường cung cấp phân bón lớn nhất cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón cho rằng, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại trầm trọng tới sản xuất nông nghiệp và cho cả nền kinh tế. Sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp bởi không chỉ xuất hiện trong cơ sở sản xuất phân bón, trong các đại lý kinh doanh mà còn xuất hiện cả trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định, gây thiệt hại lớn chưa giải quyết được.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới cho hay, có tới 9.000 loại phân bón đang lưu thông trên thị trường, cơ quan quản lý nhà nước thì “bất lực”, nên thiệt hại từ phân bón giả mỗi năm lên tới 2,6 tỷ USD.
Trong khi đó, khoảng 70% dân số sản xuất nông nghiệp, phân bón được coi là một trong những mặt hàng quan trọng hàng đầu ở Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường phân bón nhiễu loạn như hiện nay cho thấy việc quản lý mặt hàng này đang bộc lộ nhiều bất cập mà sau một thời gian rất dài vẫn chưa được giải quyết.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), số vụ vi phạm phân bón giả, phân bón kém chất lượng bị phát hiện và xử phạt lên tới 4.000 vụ/năm.
Riêng 7 tháng năm 2016 đã kiểm tra 1.356 vụ, phát hiện xử lý 399 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 3,985 tỷ đồng.
Thống kê của Hiệp hội Phân bón cũng cho thấy, gần 50% số mẫu phân bón được kiểm tra không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký, công bố trên bao bì. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở quy định pháp luật về tổng chất lượng dinh dưỡng, mập mờ hàm lượng trên vỏ bao bì... gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia thừa nhận, nguyên nhân cơ bản của tình hình thị trường phân bón Việt Nam hiện nay là sự vào cuộc chưa thường xuyên của một số Bộ, ngành, cộng với tình trạng quản lý nhà nước còn chồng chéo.
Ở địa phương, nơi trực tiếp diễn ra hoạt động kinh doanh sản xuất phân bón thì quản lý còn lỏng lẻo, còn có trường hợp tiếp tay cho các hành vi vi phạm; hệ thống cấp phép còn chồng chéo, kết quả xử phạt chưa tương xứng với vi phạm.
"Sắp tới, các vụ việc phát hiện cần xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện đại chúng. Các địa phương nghiêm túc thực hiện, tổ chức tuyên truyền cho người nông dân về các loại phân bón, đồng thời tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý", ông Thế nhấn mạnh.
Thế Hải / baodautu