Trong 76.000 tỷ đồng huy động được từ trái phiếu chính phủ trong Quý 1, phải dành 55.000 tỷ đồng trả nợ gốc, chưa kể lãi. Vậy tiền chi cho đầu tư còn lại bao nhiêu?
Dư nợ công cuối năm đạt 62,2% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ lên tới 50,3%, đã vượt trần cho phép.
Tính theo số liệu tuyệt đối, nợ công đã tăng lên tới 2,7 triệu tỷ đồng, gấp đôi mức này năm 2011.
Giai đoạn 5 - 10 năm vừa qua, tốc độ tăng chi tiêu công của Việt Nam quá lớn trong khi nguồn thu ngân sách không tăng tương ứng, nên phải vay bù đắp.
Nhu cầu chi gấp 20 lần, nhưng tiền vay suýt vừa đủ trả nợ
Dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách Nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 2016 - 2020 là 1,85 triệu tỷ đồng. Trong khi đó nhu cầu vốn đầu tư phát triển do các bộ, ngành, địa phương đề xuất khoảng 4 triệu tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015 và gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn của NSNN.
Do cân đối NSNN còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn, nên khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư NSNN còn hạn chế.
Để bù đắp cho khoản chênh lệch thu – chi và dành tiền bố trí vốn cho đầu tư phát triển, Nhà nước lại phải đi vay.
Để huy động vốn cho NSNN, Kho bạc Nhà nước sẽ phát hành 220.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong năm 2016.
Trong đó, Quý 1/2016 sẽ phát hành 76.000 tỷ đồng TPCP.
Khoản vay này sẽ được chi thế nào? 55.000 tỷ đồng sẽ phải dành để trả nợ gốc. Một phần nữa để trả lãi vay.
“Câu chuyện ngân sách Nhà nước giống như câu chuyện “giật gấu vá vai”… Lượng vốn TPCP thực dùng cho đầu tư không nhiều” - ThS Nguyễn Anh Dương – Phó trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.
“Tỷ trọng vay đảo nợ lớn như vậy thì hiệu quả của việc huy động TPCP cần được quan tâm”.
Khi áp lực đảo nợ lớn, số tiền vay để trả nợ áp đảo thì tiền chi cho nhu cầu đầu tư phát triển sẽ không còn nhiều.
Và để đảm bảo bố trí được vốn cho đầu tư phát triển, chúng ta lại phải đi vay.
Theo số liệu chi NSNN của Bộ Tài chính, trong tháng 2/2016, chi trả nợ và viện trợ đạt 28,85 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7%, xấp xỉ bằng khoản chi đầu tư phát triển 31,6 nghìn tỷ đồng.
Nợ công tăng nhanh do phát hành TPCP?
“Nhìn lại quãng thời gian 2011 - 2015, chúng ta đã tập trung tăng huy động vốn vay rất lớn từ việc phát hành TPCP trong nước cho đầu tư phát triển. Huy động vốn vay của Chính phủ năm 2015 đã tăng gấp đối với năm 2011, trong đó huy động thông qua phát hành TPCP trong nước năm 2015 tăng gần 3,5 lần.
Đây là nguyên nhân dẫn đến nợ Chính phủ, nợ công tăng nhanh trong giai đoạn vừa qua và điều đó dẫn đến 2 khó khăn”, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính giãi bày trên Cổng TTĐT của Bộ.
2 khó khăn ông Long đưa ra là: Mức bố trí trả nợ so với tổng thu NSNN đã tăng từ mức khoảng 13% đầu giai đoạn lên hơn 16%, phát sinh nhu cầu vay mới để thanh toán một phần nợ gốc đến hạn.
Hai là, trong khi thị trường vốn trong nước chưa thực sự phát triển, trước áp lực huy động vốn lớn đã dẫn đến phải huy động vốn ngắn hạn (3 năm) trong những năm 2011-2013 và tạo áp lực trả nợ vào các năm 2015 - 2017.
(Theo Trí Thức Trẻ)