Xét về tổng tài sản thì BIDV đang đứng đầu nhưng về vốn chủ sở hữu, mạng lưới, lợi nhuận và sự “hào phóng” với nhân viên thì VietinBank lại giữ vị trí số 1. Dẫu vậy Vietcombank mới đáng được khao khát nhất bởi được định giá cao gấp hơn 2 lần của Vietinbank và BIDV.
Trong hệ thống các ngân hàng thương mại hiện nay, VietinBank, Vietcombank và BIDV là 3 ngân hàng nằm trong top đầu, bỏ xa nhóm các ngân hàng sau về mọi mặt. Trong vài năm tới, nếu không có sự đột phá nào đáng kể từ các ngân hàng cổ phần, thì 3 “ông lớn” này chắc chắn vẫn yên vị ở ngôi đầu bảng.
Song dù là các ngân hàng top đầu hay top giữa và bất cứ nhóm nào cũng vậy, các thành viên đều có sự cạnh tranh khá khốc liệt để không chỉ giữ vững vị thế mà còn nhằm mục tiêu vượt lên trên đối thủ và ai cũng muốn mình là số 1, là nhất.
BIDV vươn lên vị trí số 1 về tổng tài sản nhờ M&A
Kết thúc quý 3 năm nay, BIDV báo đạt tổng tài sản hơn 950 nghìn tỷ đồng. Con số này cao hơn 50 nghìn tỷ so với VietinBank và bỏ xa Vietcombank khi ngân hàng chưa đạt 740 nghìn tỷ đồng.
BIDV có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất trong số các ngân hàng lớn khi con số này hiện đã tăng gần gấp 2 lần so với thời điểm năm 2012, cụ thể là 96,2% từ 485 nghìn tỷ đồng lên 950 nghìn tỷ đồng. Cùng thời gian này tốc độ tăng tài sản của Vietcombank đạt 78,7%, từ mức 414 nghìn tỷ lên 750 nghìn tỷ. VietinBank cũng có cùng tốc độ tăng trưởng khi từ 503 nghìn tỷ lên 900 nghìn tỷ.
Trước đó trong năm 2015, BIDV cũng đã vươn lên vị trí số 1 sau khi nhận sáp nhập ngân hàng MHB có tổng tài sản 45.000 tỷ đồng, soán ngôi của VietinBank vốn là đầu bảng những năm trước đó.
VietinBank giàu nhất
Vốn chủ sở hữu của Vietcombank tại thời điểm 30/9 là hơn 47.500 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ có gần 36.000 tỷ, lợi nhuận chưa phân phối hơn 6.000 tỷ và quỹ của TCTD gần 5.000 tỷ đồng. Trong năm nay, Vietcombank đã thực hiện chi trả cổ tức 2015 xong với tỷ lệ tới 10% bằng tiền mặt và 35% bằng cổ phiếu thưởng.
BIDV là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất nhưng vốn lại thấp hơn Vietcombank, tổng vốn chủ sở hữu ở mức hơn 43.800 tỷ đồng, trong đó 34.187 tỷ là vốn điều lệ, hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối và gần 2.500 tỷ đồng quỹ. Sắp tới ngân hàng này còn phải trả cổ tức 2015 bằng tiền mặt tỷ lệ 8,5%, tương đương nguồn vốn để lại sẽ giảm khoảng 2.700 tỷ đồng.
Nhưng VietinBank mới “giàu” hơn cả khi có nguồn vốn chủ sở hữu hơn 61.300 tỷ đồng. Trong số này vốn điều lệ chiếm hơn 37.200 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần gần 9.000 tỷ, quỹ của tổ chức tín dụng hơn 5.300 tỷ và phần lợi nhuận chưa phân phối lên đến hơn 9.000 tỷ đồng.
Cũng như BIDV, VietinBank là ngân hàng bị Bộ Tài chính đòi cổ tức bằng tiền mặt hồi tháng 5 năm nay, song không giống như BIDV là đã quyết định chi trả trong quý cuối năm 2016, VietinBank hiện vẫn chưa có quyết định nào liên quan đến việc thanh toán cổ tức tiền mặt. Nếu cũng trả cổ tức như BIDV và Vietcombank thì nguồn vốn của VietinBank sẽ giảm tương đối.
VietinBank có mạng lưới rộng nhất nhưng nhân sự đông nhất là ở BIDV
Theo thống kê của ngân hàng VietinBank, hiện nhà băng này có hơn 1.100 chi nhánh, phòng giao dịch, trải dài khắp cả nước, 2 chi nhánh ở nước ngoài và 1 ngân hàng con. Trong khi đó hệ thống của BIDV là hơn 1.000 điểm còn của Vietcombank thì chỉ hơn 460 điểm.
Về nhân sự, VietinBank đang có hơn 22.100 nhân sự trong khi ngân hàng BIDV có hơn 23.300 nhân sự còn nhân sự của Vietcombank chỉ hơn 15.200 người. Điều này cũng hợp lý khi số điểm giao dịch của VietinBank và BIDV đều áp đảo so với Vietcombank.
Hệ thống mạng lưới của VietinBank rộng hơn nhưng BIDV lại có tổng nhân sự nhiều hơn
Người của Vietcombank làm ra lợi nhuận cao nhất nhưng VietinBank lại trả lương "khủng" nhất
Mặc dù thua kém về tài sản và vốn chủ sở hữu nhưng Vietcombank lại đang có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tới 14,3%, chỉ kém mức 14,8% của BIDV không nhiều. ROE của VietinBank chỉ đạt 11%.
Xét con số tuyệt đối, lợi nhuận của VietinBank luôn dẫn đầu trong các năm vừa qua. 9 tháng đầu năm nay, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 6.300 tỷ đồng trong khi của VietinBank gần 6.500 tỷ và BIDV chỉ ở mức gần 5.800 tỷ đồng.
Tính sơ bộ, mỗi nhân sự của Vietcombank làm ra lợi nhuận 428 triệu đồng trong 9 tháng trong khi người của BIDV chỉ đạt 245 triệu đồng và ở VietinBank là 293 triệu đồng. Tuy nhiên, thu nhập của nhân viên VietinBank lại đáng mơ ước nhất hiện nay với bình quân 24,95 triệu đồng/người/tháng, trong khi Vietcombank chỉ đạt 23,73 triệu đồng và BIDV là 22,93 triệu đồng.
Vietcombank được định giá cao nhất
Trên sàn chứng khoán hiện nay, giá cổ phiếu VCB của Vietcombank trên 35.000 đồng, trong khi BID của BIDV là 15.500 đồng còn CTG của VietinBank cao hơn chút xíu, đạt 16.500 đồng. Giá cổ phiếu Vietcombank lẽ ra cao hơn nhiều nhưng do việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thưởng khiến tỷ lệ bị pha loãng. Ngoài ra, từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu của Vietcombank liên tục xu hướng tăng trong khi của BIDV và VietinBank chỉ đi ngang hoặc tăng nhẹ.
Vốn chủ sở hữu bé nhất nhưng Vietcombank lại có mức vốn hóa thị trường cao nhất, gấp hơn 2 lần so với của BIDV và VietinBank
Ở mức giá hiện tại, hệ số giá trên thu nhập (P/E) của VCB lên đến 19 lần - tức vốn hóa của VCB gấp 19 lần tổng lợi nhuận của 4 quý gần nhất. Trong khi đó hệ số này ở VietinBank và BIDV chỉ ở mức 8-9 lần, thấp hơn nhiều mức P/E bình quân toàn thị trường. Điều này cho thấy cổ phiếu VCB được nhà đầu tư đánh giá cao hơn hẳn so với BIDV và VietinBank.
Trên thị trường, vốn hóa của Vietcombank hiện là hơn 128 nghìn tỷ đồng trong khi của BIDV gần 53 nghìn tỷ và VietinBank chưa đạt 62 nghìn tỷ.
Ngoài ra, Vietcombank còn là đơn vị gọi vốn thành công nhất khi mới đây đã ký thỏa thuận bán hơn 7% vốn cho đối tác nước ngoài đến từ Singapore. Theo đánh giá của giới phân tích, thương vụ này thành công dự kiến sẽ giúp Vietcombank có thêm 400 triệu USD, đồng thời giúp hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhà băng này tăng thêm khoảng 2% - điều mà cả BIDV và VietinBank đều rất khao khát hiện nay bởi cả 3 ngân hàng đều nằm trong nhóm 10 ngân hàng áp dụng thí điểm Basel II kể từ đầu năm sau.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ