Hiện nay, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam còn cao, tương đương khoảng 21%GDP, trong khi các nước phát triển chỉ số này chỉ từ 9-14%.
Toàn cảnh Hội thảo “Chi phí kinh doanh của Doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức diễn ra sáng 23/3
Bên cạnh đó, chất lượng cung cấp dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Chi phí dịch vụ logistics cao nên ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và thương mại nói riêng.
Tại Hội thảo “Chi phí kinh doanh của Doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức diễn ra sáng 23/3, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã nêu một số vấn đề ảnh hưởng và làm gia tăng chi phí logistics của DN, đồng thời đưa ra một số đề xuất để giảm chi phí trong kinh doanh dịch vụ logistics.
Theo ông Tương cho biết, trong tổng chi phí logistics hiện nay của nước ta, chi phí về vận tải chiếm khoảng 60% chi phí, chi phí tồn kho khoảng 36%, chi phí quản ý khoảng 4%. Vì vậy, việc giảm chi phí logistics trước hết tập trung vào việc giảm chi phí vận tải.
Theo Bộ GTVT, hiện nay, vận tải hàng hóa bằng đường bộ chiếm trên 70% thị trường vận tải Bắc – Nam. Theo một số DN vận tải thì trong chi phí vận tải đường bộ xăng dầu chỉ chiếm khoảng 30-35%, trong khi phí cầu đường bình quân chiếm khoảng 10%. Tùy theo từng DN vận tải và khu vực vận tải, tỷ lệ chi phí trên có thay đổi. Đối với tuyến đường ngắn thì chi phí cầu đường (BOT) còn cao hơn chi phí xăng dầu.
Ngoài ra, các chi phí không chính thức trên đường vận chuyển rất cao, không dưới 5%. Theo báo cáo tại Hội nghị phát triển thương mại thông qua vận tải xuyên biên giới Hành lang Đông – Tây tại Đà Nẵng ngày 9/11/2016 thì “Phí đường bộ cao gấp 3 lần, trước đây từ 60-80.000, hiện nay là 200.000 đồng/xe. Trước đây hàng từ Đường 14 về TP HCM phí BOT chừng 1.000.000 đồng/ xe giờ hơn 3.000.000 đồng/ xe, chưa tính phí cửa khẩu.
Đại diện VLA thông tin, từ ngày 1/1/2017, thực hiện nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hải Phòng về thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển, Hải Phòng đã tiến hành thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan là 2.200.000 đồng/TEU, 4.400.000 triệu/ FEU hàng khô 2.300.000 đồng/ TEU, 4.800.000 đồng/ FEU hàng lạnh và 50.000 đồng/ tấn hàng rời.
Đối với hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu là 250.000 đồng/ TEU và 500.000 đồng/ FEU và hàng lỏng hàng rời là 20.000 đồng/ tấn. Việc thu phí này vào đầu năm là một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp XNK và DN cung cấp dịch vụ logistics.
“Như đã phản ánh trong công văn của các Hiệp hội Ngành hàng và Hiệp hội doanh nghiêp dịch vụ logistics và tính toán cụ thể trong kiến nghị của Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) gửi Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2017, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics phải mất thêm thời gian và chi phí cho việc nộp thuế thay các DN XNK khi làm dịch vụ mà không thu được lợi nhuận gì. Qua đó làm tăng chi phí logistics tăng thêm.”, ông Tương cho biết.
Ông Tương cũng đưa ra ví dụ cụ thể của chỉ 1 doanh nghiệp làm dịch vụ logistics ở Hải Phòng: một tháng đã thu xếp bình quân 5.500 FEU hàng hóa XNK cho các DN. Phải pộp phí thay là 5.500 FEU x 500.000 đồng = 2,75 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải hết tháng mới thu lại của khách hàng được và phải chịu lãi cho số tiền dó. Ngoài ra, nếu lô hàng không kịp làm thủ tục xuất/ nhập trong ngày do chờ biên lai nộp phí thì phải đợi đến ngày hôm sau, tốn thêm chi phí lưu kho bãi và thời gian chờ đợi.
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tại Buổi Hội thảo diễn ra sáng 23/3.
Theo ông Tương, Thông tư 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính v/v Chính sách thuế nhà thầu nước ngoài áp dụng cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan làm kho chứa hàng và cung cấp hàng cho các DN khác với mức thu phí là 1%. Từ khi chính sách thuế nhà thầu này được thực thu theo quy định của thông tư 103, sản lượng hàng gửi các kho ngoại quan trong cả nước sụt giảm rất lớn vì các thương nhân nước ngoài đã quyết định không thuê kho ngoại quan hoặc giảm sản lượng hàng gửi vào kho ngoại quan đến mức thấp nhất và yêu cầu DN VN chuyển sang mua và nhận hàng tại cửa khẩu nước ngoài hay cửa khẩu VN để không phải chịu thuế nhà thầu. Điều này dẫn đến kết quả là doanh thu của các DN kinh doanh dịch vụ kho ngoại quan thua lỗ, dẫn đến khả năng đóng cửa sau khi DN đã bỏ ra một khoản vốn lớn đầu tư phát triển kho ngoại quan, mất tác dụng của kho ngoại quan như mong muốn của Chính phủ ban đầu khi chủ trương phát tiển kho ngoại quan ở VN. Qua đó làm hạn chế năng lực cạnh tranh của DN do tác dụng của kho ngoại quan mang lại, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN logistics VN. Nên hiểu kho ngoại quan là 1 cảng biển hay điểm trung gian để chuyển hàng vào VN.
Để triển khai hiệu quả kế hoạch hành động logistics quốc gia được ban hành theo quyết định số 200/ QĐ-TTg, ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics VN đến năm 2015, nhằm giảm chi phí dịch vụ logistics xuống tương đương 16-20% GDP như mục tiêu đề ra của kế hoạch hành động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thúc đẩy thương mại, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics đã đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp VN có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ trong cuộc gặp thường niên 2017 là xem xét tạm dừng việc thu phí của Hải Phòng và thu phí nhà thầu đối với kho ngoại quan như đã nên trên, Chỉ thị cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an trong việc tìm cách giảm chi phí vận tải nhất là vận tải đường bộ.
Nha Trang – Tiến Thành / DĐDN