Đến tháng 6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo ước tính lên 36.000 tỷ đồng trong khi doanh thu nửa đầu năm vẫn lao dốc.
Con số trên được Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) đề cập trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình khó khăn của doanh nghiệp hàng không. Trong 36.000 tỷ đồng này, riêng Vietnam Airlines "gánh" 20.000 tỷ đồng nợ.
Đợt bùng phát dịch lần ba và thứ tư vào dịp cao điểm Tết nguyên đán và hè năm nay đã khiến các hãng suy kiệt khi doanh thu giảm sâu. Riêng tháng 5 và 6, VABA cho biết doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020.
Việc áp dụng giãn cách xã hội khiến nhu cầu đi lại tiếp tục giảm. Trong khi đó, chi phí phòng dịch của các hãng và doanh nghiệp dịch vụ hàng không tăng cao. Để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng hàng không phải chi trên 100 tỷ đồng một ngày. Chưa kể, nhân sự của họ bị cắt giảm ngày càng nhiều, làm tăng nguy cơ thiếu nhân lực khi phục hồi.
Máy bay đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quỳnh Trần.
Để vượt khó, VABA kiến nghị Chính phủ sớm triển khai tiêm vaccine trên diện rộng và xem xét sử dụng hộ chiếu vaccine để hoạt động đi lại được dễ dàng, hỗ trợ hàng không có doanh thu.
Song song đó, Hiệp hội kiến nghị mở rộng thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không như gói tín dụng Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%; cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn 5.000 - 6.000 tỷ đồng tương tự Vietnam Airlines, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóng góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản.
Ngoài ra, Chính phủ nên cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển. Đồng thời, cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo Nghị quyết số 84 ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Khi các hãng đang bị đại dịch "bào mòn", VABA muốn Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường, áp dụng mức giảm 70% thuế từ 3.000 đồng một lít Jet A1 xuống còn gần 1.000 đồng một lít cho các hãng hàng không đến 30/6/2022. Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022.
Trước đó, trong dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và năm tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dẫn báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho thấy dự kiến số lỗ của quý I ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện, số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.
Cùng với Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways và Vietjet Air, trong năm 2020 cũng đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính Vietjet thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Năm 2020, dịch bệnh bùng phát khiến doanh thu của các hãng hàng không Việt giảm trên 60%, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng. Năm nay dự kiến tiếp tục sụt giảm mạnh mẽ hơn khi dịch bệnh lây lan rộng, nhiều đường bay nội địa không có khách đi lại.