Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM không tổ chức khai giảng, tựu trường, tất cả học sinh trừ bậc mầm non sẽ học trực tuyến ít nhất 4-6 tuần đầu năm học.
Ngày 18/8, các phương án và kế hoạch năm học 2021-2022 được Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND TP HCM. Sở nhận định năm học mới khó có thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp, chương trình dạy học trong 4-6 tuần đầu năm là online.
Ở bậc trung học (kể cả giáo dục thường xuyên), học sinh được tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trực tuyến và củng cố kiến thức từ ngày 1 đến 5/9. Từ ngày 6/9, học sinh bước vào chương trình chính thức.
Với bậc tiểu học, việc tổ chức lớp từ ngày 8 đến 19/9, sau đó sẽ học chính thức. Riêng bậc mầm non, khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh mới có thể đến trường. Do đặc thù là dạy học trực tiếp (trông giữ, giáo dục và chăm sóc trẻ), nên có thể bắt đầu và kết thúc năm học theo khung thời gian riêng. Khi chưa thể học lại, các trường sẽ tổ chức cho giáo viên làm các đoạn phim ngắn hướng dẫn trẻ sinh hoạt, vui chơi, giáo dục kỹ năng.
Hết khoảng thời gian trên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM tiếp tục đưa ra 3 phương án tổ chức dạy học năm học mới.
Phương án một, đến ngày 15/9 (thời điểm hết giãn cách xã hội), dịch Covid-19 được khống chế tốt, các trường được trưng dụng làm khu cách ly được bàn giao, tiếp tục dạy trực tuyến theo kế hoạch 4-6 tuần đầu năm học. Tùy trường hợp cụ thể, trường học được bàn giao sẽ tổ chức dạy trực tiếp. Riêng đối với khối lớp 1, các bài học được xây dựng thành phim ngắn, giúp phụ huynh tương tác, hướng dẫn trẻ dần làm quen với môi trường học trực tuyến.
Phương án 2 - nếu dịch bệnh được khống chế và kiểm soát từ cuối tháng 9, đến tháng 10, các trường học mới dần được bàn giao. Lúc này, nhà trường tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến 6-10 tuần tính từ đầu năm học. Tùy trường hợp cụ thể, các trường tổ chức dạy học trực tiếp.
Sau khi hết giãn cách theo Chỉ thị 16 (có thể giãn cách xã hội ở mức thấp hơn), các trường sẽ ưu tiên phòng cho lớp 1, 2, các lớp đầu cấp và cuối cấp chia nhỏ lớp, bố trí học trực tiếp. Các khối còn lại tiếp tục học trực tuyến cho đến khi tình hình ổn định trở lại.
Phương án 3 - áp dụng cho tình huống xấu hơn, tức dịch phức tạp đến cuối năm. Khi đó, các trường phải dạy trực tuyến trong học kỳ 1. Tùy trường hợp cụ thể sẽ được dạy trực tiếp.
Tương tự phương án hai, sau khi hết giãn cách theo Chỉ thị 16, các trường ưu tiên cho lớp 1 và 2, các lớp đầu cấp và cuối cấp học trực tiếp. Tiếp đó, ngành giáo dục bố trí phụ đạo, ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 1 và các lớp cuối cấp, nhất là lớp 12.
Thời gian năm học 2021-2022 có thể được kéo dài đến cuối tháng 6, riêng lớp 12 kéo dài đến thời điểm thi tốt nghiệp THPT nhằm đảm bảo chương trình.
Học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) đến trường học sau hơn 3 tháng nghỉ vì Covid-19 hồi tháng 5/2020. Ảnh: Quỳnh Trần
Việc đưa ra các kịch bản nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại TP HCM, 249 trường đã dùng làm khu cách ly, hơn 450 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, tiêm vaccine. Trong thời gian tới, các trường này chưa thể bàn giao để tổ chức dạy học. Nếu được bàn giao, các trường phải mất ít nhất 2 tuần để sửa chữa, cải tạo, vệ sinh khử khuẩn.
Do ảnh hưởng từ Covid-19, tiến độ xây dựng các công trình trường học phải ngưng lại, phần lớn công trình xây mới, sửa chữa đều chậm tiến độ, không kịp cho ngày khai giảng. Ngoài ra, thành phố hiện có gần 2.000 giáo viên, hơn 5.800 học sinh thuộc diện F0, F1.
Năm nay, các lớp 1, 2, 6 sẽ sử dụng sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc lựa chọn sách đã hoàn tất nhưng công tác phân phối sách chưa hoàn thành, học sinh chưa có sách giáo khoa.
Toàn thành phố năm học tới có khoảng 1,71 triệu học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT (chưa tính hệ giáo dục thường xuyên). So với năm trước, học sinh tăng thêm 31.000, trong đó khối trường công lập tăng 28.000, còn lại là trường ngoài công lập. Học sinh tăng mạnh ở cấp tiểu học, tập trung tại những nơi đang đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao như: TP Thủ Đức, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, quận 12, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
Hơn 373.000 em, chiếm 1/5 số học sinh thuộc gia đình không có hộ khẩu tại thành phố. Áp lực này làm sĩ số học sinh mỗi lớp vượt chuẩn, đặc biệt ở cấp tiểu học. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện ở trường bị co hẹp.
Hiện, TP HCM ghi nhận hơn 156.000 ca Covid-19. Nếu tính cả đợt cách ly xã hội kéo dài một tháng công bố tối 15/8, thành phố trải qua hơn ba tháng rưỡi giãn cách theo nhiều cấp độ.