Hôm 14/12, Chính phủ đã thảo luận Dự thảo Nghị quyết 01 về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội 2018, quyết tâm đưa nền kinh tế vượt qua thách thức để đạt được các mục tiêu của năm 2018.
3 thành công, 5 thành tựu của năm 2017
Một sự hồ hởi nhìn thấy rõ, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cập nhật tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2017 với các đối tác phát triển tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017, tổ chức hôm 13/12 tại Hà Nội.
“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong nước và quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và đã đề cập với 3 thành công và 5 thành tựu nổi bật của kinh tế - xã hội Việt Nam.
Trong số đó, nổi bật là kinh tế vĩ mô được duy trì thành công, nhờ đó đã thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những thay đổi khó lường của bối cảnh quốc tế.
“Lần đầu tiên sau nhiều năm, nền kinh tế đã đạt và vượt cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,7%. Đây là một mục tiêu được cho là khó khăn nhất trong các chỉ tiêu và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hồ hởi nói.
Ngoài thành công về kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh thành công trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2017, cũng như thành công trong việc củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế vào sự ổn định và phát triển của đất nước. Bằng chứng rõ ràng nhất là con số dự kiến 125.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 và hơn 33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam cho đến hết tháng 11/2017.
Còn về thành tựu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã vừa nhắc đến những thành tựu về kinh tế; về xã hội và cả thành tựu về cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao năng lực cạnh tranh; thành tựu trong việc thực hiện những chính sách lớn về cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược; cũng như thành tựu trong việc giữ vững an ninh, chính trị.
Thành quả này của kinh tế Việt Nam 2017 cũng đã được các đối tác phát triển đánh giá cao tại VDF 2017. Trước đó, ngay trước thềm VDF, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khi cập nhật tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đều thống nhất quan điểm rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 hoàn toàn có thể đạt được 6,7% - bằng con số mà Chính phủ Việt Nam dự ước.
“Sau suy thoái kinh tế thế giới 7 năm trước, Việt Nam đã đạt được mức hồi phục kinh tế đáng ghi nhận”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đã nói như vậy.
Và thách thức 2018
Kinh tế đang hồi phục. Nhưng những điểm tồn tại, hạn chế vẫn còn. Đó là quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra chậm; chất lượng tăng trưởng kinh tế tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu; pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội được ban hành nhưng mới dừng ở cấp Trung ương, chậm đi vào cuộc sống, chưa được triển khai cụ thể và hiệu quả ở các cấp cơ sở…
“Do vậy, năm tới, mục tiêu là phải tạo được sự chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế và trong tất cả các lĩnh vực. Năm 2018 cũng phải tập trung các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng mạnh mẽ hơn, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cũng nhấn mạnh các giải pháp khắc phục triệt để tình trạng “trên nóng dưới lạnh” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc tới; phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, đảm bảo thông suốt từ Trung ương tới địa phương.
Thông tin cho biết, trong 2 ngày 28 và 29/12, Chính phủ sẽ họp phiên mở rộng với các địa phương, với sự tham gia lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là cuộc họp quan trọng, tổng kết tình hình kinh tế - xã hội 2017, và đề ra các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội 2018. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ sẽ quyết nghị và ban hành Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2018.
Chiều 14/12, Chính phủ đã họp bàn về Dự thảo Nghị quyết 01. Nhận định đây là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, nên Chính phủ xác định, phương châm chỉ đạo xuyên suốt trong năm 2018 sẽ là phát huy mạnh mẽ thành tựu đã đạt được và khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại của năm 2017; tăng cường kỷ cương, nâng cao liêm chính; tranh thủ tốt mọi thời cơ, tận dụng các cơ hội.
Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; tạo sự đồng thuận cao của toàn hệ thống, hành động quyết liệt, thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, hướng tới phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu thực hiện đạt mức cao các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2018.
Năm 2018, theo Nghị quyết của Quốc hội, tăng trưởng kinh tế phấn đấu ở mức 6,5 - 6,7%
Nguyên Đức / baodautu