Trong khi các nhà mạng đang chạy đua cung cấp dịch vụ 4G thì người dùng vẫn khốn đốn vì phải trả cước phí cho mạng 3G cao ngất ngưởng.
Người dùng 3G luôn chịu thiệt vì cước phí khó lường Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH |
Trả tiền tháng, dùng trong ngày
Chị H.Nguyên ngụ tại Q.3, TP. HCM, chủ thuê bao số điện thoại 091814… bức xúc kể, mấy tháng qua, vì phải làm việc bên ngoài cơ quan nên dung lượng 600 MB của gói cước thuê bao 70.000 đồng không đủ, chị đã chuyển lên đăng ký gói cước MAX100 với phí 100.000 đồng/tháng để được 1,2 GB tốc độ cao.
Tuy nhiên, dung lượng truy cập cũng nhanh chóng bị hết mà không biết nhà mạng tính toán, trừ cước thế nào. Vì vậy, chị chuyển sang mua thêm gói cước X19 - 19.000 đồng để có thêm dung lượng 350 MB tốc độ cao 3G. Nhưng gói cước này cũng “hết nhanh như đuổi”.
“Có ngày tôi phải mua đến 3 lần gói 19.000 đồng này mà chỉ để mỗi việc check mail và lướt nhanh vài trang web tin tức thông thường. Không xem phim, không tải ảnh hay gửi ảnh, thậm chí không dùng Facebook, vậy mà không hiểu tại sao nhà mạng liên tục báo hết dung lượng 3G.
Những khách hàng như chúng tôi không biết việc tính cước, tính dung lượng như thế là có đúng hay chưa?”, chị bức xúc. Đó là chưa kể, chỉ một lần chị đăng ký gói cước 3G 100.000 đồng/tháng thì nhà mạng cũng tự động gia hạn gói cước này cho tháng sau mặc dù trong suốt thời gian dài trước đó chị chỉ sử dụng gói cước 70.000 đồng/tháng.
Thế nhưng, đỉnh điểm hơn về cước phí 3G “nuốt” tiền là chuyện của anh Quang T., ngụ tại Q.Thủ Đức, TP. HCM, chủ thuê bao số 091832... Chỉ trong vòng 2 ngày 25 - 26.5, cước 3G của anh đã phát sinh ngoài gói tháng đăng ký trước đó lên gần 500.000 đồng. Theo chi tiết bảng cước mà nhà mạng Vinaphone in ra khi anh Quang T. yêu cầu, chỉ trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ trong hai ngày này chỉ để truy cập Facebook, dung lượng truy cập mạng của anh đã bị tính lên tới hơn 500 MB.
Với cước phí là 75 đồng/50 kb, tương đương 75.000 đồng/50 MB thì số tiền anh phải trả cho cước 3G chỉ trong tháng 5 cao hơn nửa năm thuê bao của một khách hàng bình thường. Anh Quang T. là một chuyên gia về công nghệ nên bình thường vẫn đặt chế độ cảnh báo và sử dụng 3G hạn chế trong gói dung lượng đã thuê bao mà không để phát sinh thêm. Cũng rất hiếm khi anh sử dụng hết 500 MB dung lượng được miễn phí hằng tháng. Đơn cử từ đầu tháng 6 đến nay, anh Quang T. cũng chỉ mới sử dụng hết 17 MB trong gói dung lượng này chỉ để kiểm tra mail.
“Mình không biết nhà mạng tính kiểu gì vì bản thân mình cũng có hiểu biết về công nghệ, xài dữ liệu di động rất tiết kiệm thì thấy khó xài hết được 500 MB trong một tháng. Vậy mà trong vòng hơn 2 giờ trong 2 ngày chỉ lướt Facebook mà đã hết luôn cái vèo số dung lượng này. Đúng là không thể hiểu nổi”, anh Quang T. nói. Quá bất ngờ vì tiền cước 3G phát sinh khó hiểu, anh Quang T. đã đến nhà mạng yêu cầu cung cấp bảng cước chi tiết và định khiếu nại. Tuy nhiên, nhìn quy trình để khiếu nại quá phức tạp và mất thời gian nên anh chào thua và chấp nhận thanh toán mức cước phí trong bức xúc.
Nhà mạng luôn chào mời khách hàng dùng thêm các gói 3G. Ảnh: NGỌC DƯƠNG |
Chị Nga, ngụ tại Q.Tân Bình, TP. HCM, chủ thuê bao số 09090... cho biết giữa tháng 5, chị đăng ký thêm gói cước D10 với giá 10.000 đồng với dung lượng 1,5 GB trong một ngày nhưng kiểm tra thì nhận được tin báo vẫn chưa đăng ký gói cước nào. Gọi lên tổng đài của nhà mạng MobiFone, tổng đài báo có thấy đăng ký rồi nhưng khi nhắn tin kiểm tra mấy lần vẫn thấy không có.
Sau đó chị bấm hủy và nghĩ do mình đăng ký không đúng nên không sử dụng nữa. Thế nhưng bất ngờ đến hôm sau, chị nhận được tin nhắn báo gói cước D10 vừa được gia hạn. Liên tục 3 ngày sau đó chị đều nhận được thông báo gia hạn gói cước này. “Sau 3 ngày mình mới phát hiện ra, vậy là nhà mạng đã tự động gia hạn gói cước. 3 ngày là 30.000 đồng nhưng nếu số đông thì số tiền sẽ rất lớn”, chị Nga chia sẻ.
Khách hàng luôn chịu thiệt
Kết nối di động của Việt Nam đứng thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương Theo báo cáo về tốc độ internet toàn cầu mới được Akamai công bố, tốc độ trung bình của kết nối internet Việt Nam trong quý 1/2017 đạt 9,5 Mbps, tăng tới 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tối đa đạt 59 Mbps, tăng 73% cùng kỳ. Hiện nay trong bảng xếp hạng, Việt Nam đang xếp thứ 58 thế giới. Tuy nhiên tốc độ này của Việt Nam chỉ ở mức trên trung bình của Malaysia, Ấn Độ và còn quá xa các nước ở vị trí dẫn đầu như Hàn Quốc, Singapore với trên 20 Mbps tốc độ trung bình và 121 Mbps tốc độ tối đa. Riêng với kết nối di động, tốc độ trung bình của người dùng di động chỉ đạt 5,3 Mbps, đứng vị trí thấp nhất trong bảng xếp hạng các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, nhận định người dùng mạng viễn thông hay mạng internet ở Việt Nam hiện nay rất chịu thiệt. Trước đây cũng có nhiều khách hàng bị tính cước điện thoại sai và chỉ sau khi khiếu kiện mạnh thì nhà mạng mới giải quyết.
Nhưng có nhiều người chỉ sử dụng thuê bao trả trước thì nếu chỉ bị sai vài chục ngàn đồng mỗi tháng cũng sẽ không phát hiện được. “Chúng ta thiếu sự giám sát kiểm tra của một đơn vị trung gian độc lập về các mức giá, cách tính cước hoặc có sự đo kiểm xem các nhà mạng đã làm đúng cam kết hay chưa. Hoặc trường hợp có người tiêu dùng khiếu nại nếu nhà mạng sai thì phải xử phạt nặng. Trong khi khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông hiện nay chỉ còn trông chờ vào sự tử tế của nhà mạng”, ông Ngô Trần Vũ nhấn mạnh.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, cũng khẳng định người dùng điện thoại Việt Nam hiện chỉ luôn “nắm đằng lưỡi” nên lúc nào cũng chịu thiệt. Bởi vì các nhà mạng đã từng gian lận với người sử dụng bằng các dịch vụ cài đặt sẵn trong sim, tính cước bất thường…
Ngay khi người dùng hết dữ liệu thì nhà mạng nhắn tin chào mời đăng ký thêm các gói mới nên họ có quyền nghi ngờ về sự gian lận trong tính cước 3G hiện nay. Hơn nữa, các gói dịch vụ 3G của nhà mạng rất nhiều nên khách hàng cũng khó nhớ được cách đăng ký hoặc muốn hủy, thay đổi. Đặc biệt cách kinh doanh của các nhà mạng tại Việt Nam không giống như các dịch vụ hàng hóa khác.
Đó là nhà mạng luôn áp dụng hình thức tự động gia hạn dịch vụ như kiểu “tiền trảm hậu tấu” khiến khách hàng bị mất tiền vô lý. “VN thiếu các hiệp hội, tổ chức đủ mạnh để bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi bản thân từng người tiêu dùng đôi khi không đủ chứng cứ để khởi kiện nhà mạng nên cứ phải ngậm ngùi dù rất ấm ức”, ông Võ Đỗ Thắng phân tích.
Mai Phương / Báo Thanh Niên