Đó là các quy định mới về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo; hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; Cấp học bổng chính sách cho HSSV dân tộc thiểu số nghèo; Cấp học bổng chính sách cho HSSV dân tộc thiểu số nghèo; Chính sách cho thanh niên tình nguyện.
Các quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
1. Quy định mới về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo
Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Nghị định này quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành; phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy cho người khuyết tật; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành trực tiếp giảng dạy trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng công lập (gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập), có hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn. Cụ thể:
Dạy tích hợp là vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành trong một bài học/học phần/mô đun/môn học.
Người có trình độ kỹ năng nghề cao là người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4 trở lên hoặc bậc thợ 5/6, 6/7 trở lên.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, lớp học dành riêng cho người khuyết tật là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, lớp học có từ 70% trở lên số học viên là người khuyết tật.
Lớp hòa nhập là lớp học thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập có từ 5% đến dưới 70% số học viên là người khuyết tật.
Kinh phí chi trả phụ cấp quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu hợp pháp theo quy định hiện hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
2. Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng
Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng có hiệu lực từ 1/1/2016.
Quyết định này quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, gồm: Mức hỗ trợ chi phí đào tạo; mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
Đối tượng áp dụng là người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mức hỗ trợ chi phí đào tạo
Người khuyết tật: Mức tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học.
Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.
Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân: Mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học.
Người thuộc hộ cận nghèo: Mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học.
Người học là phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng quy định, mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học.
Riêng ngư dân học các nghề: Vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo và thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
Ngoài ra, các đối tượng này được hỗ trợ mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, đối tượng được hỗ trợ là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
Mức hỗ trợ: Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; Mức hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: Mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên. Ngoài những đối tượng và mức hỗ trợ theo quy định, các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo tùy điều kiện và khả năng, huy động thêm các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền đi lại cho người học trong thời gian đào tạo.
3. Cấp học bổng chính sách cho HSSV dân tộc thiểu số nghèo
Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp có hiệu lực từ 1/1/2016.
Quyết định này quy định về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp được hưởng học bổng chính sách, các khoản hỗ trợ mua đồ dùng cá nhân, hỗ trợ trong dịp tết Nguyên đán và hỗ trợ đi lại.
Theo Quyết định, đối tượng được hưởng chính sách nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 1- Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; 2- Người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú; 3- Người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Cụ thể, mức học bổng chính sách:
100% mức tiền lương cơ sở/tháng đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật;
80% mức tiền lương cơ sở /tháng đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh, sinh viên người dân tộc Kinh là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
60% mức tiền lương cơ sở /tháng đối với học sinh, sinh viên người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.Các khoản hỗ trợ khác
Hỗ trợ một lần số tiền 1.000.000 đồng/khóa đào tạo để mua đồ dùng cá nhân như: chăn cá nhân, áo ấm (nếu cần), màn cá nhân, chiếu cá nhân, áo đi mưa và quần áo bảo hộ lao động theo nghề đào tạo;
Hỗ trợ 150.000 đồng đối với học sinh, sinh viên ở lại trường trong dịp tết nguyên đán;
Mỗi học sinh, sinh viên được hỗ trợ mỗi năm một lần tiền đi lại từ nơi học về gia đình và ngược lại: Mức 300.000 đồng/năm đối với học sinh, sinh viên ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Mức 200.000 đồng/năm đối với các đối tượng còn lại.
Các đối tượng ưu tiên theo quy định tại Điều 2 Quyết định này được miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập; lệ phí tuyển sinh; cấp sổ khám sức khoẻ, khám sức khoẻ hàng năm; cấp Thẻ bảo hiểm y tế; cấp học bổng khuyến khích học tập theo quy định hiện hành.
4. Chính sách cho thanh niên tình nguyện
Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Đối tượng áp dụng theo Quyết định là thanh niên Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập trên lãnh thổ Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật tham gia hoạt động tình nguyện; Cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động tình nguyện của thanh niên.
Theo Quyết định, hoạt động tình nguyện của thanh niên bao gồm các loại hình như: Hoạt động tình nguyện thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc từ 24 tháng trở lên được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và xã hội do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc các tổ chức khác của thanh niên tổ chức.
Hoạt động tình nguyện của thanh niên thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, nhằm mục đích nhân đạo, mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội, tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán và điều kiện thực tế của địa phương nơi diễn ra hoạt động tình nguyện.
Bên cạnh đó, sau khi kết thúc hoạt động tình nguyện, thanh niên cũng được hưởng các chính sách như: Được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và quy định của pháp luật về việc làm; Được xem xét, ưu tiên tuyển chọn tham gia các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc nếu hoạt động tình nguyện từ 03 tháng trở lên. Trường hợp tham gia nhiều hoạt động tình nguyện theo đợt thì được cộng dồn thời gian tham gia hoạt động tình nguyện.
Thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế nhà nước, lực lượng vũ trang tham gia hoạt động tình nguyện có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và của Nhân dân mà bị thương cần điều trị theo kết luận của cơ quan y tế thì thời gian nghỉ làm việc để điều trị vẫn được tính vào thời gian hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thanh niên là học sinh, sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và của Nhân dân mà bị thương cần điều trị theo kết luận của cơ quan y tế, làm gián đoạn quá trình học tập thì được xem xét, tạo điều kiện để hoàn thành chương trình học tập.
Thanh niên có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
(Theo Hồng Hạnh - Dân Trí)