Theo các chuyên gia Trung tâm WTO của VCCI, các DN xuất khẩu gỗ đang phải đối mặt với 4 nhóm rủi ro khi xuất khẩu gỗ.
Xuất khẩu gỗ đang được đánh giá là một trong những ngành đầy tiềm năng. Mục tiêu xuất khẩu gỗ đến năm 2020 đã về đích trước 5 năm. Nếu như năm 2004, ngành xuất khẩu bắt đầu tham gia câu lạc bộ những ngành có kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, thì đến năm 2015 kim ngạch của ngành này đã đạt 6,9 tỷ USD. Toàn ngành có 3.900 DN, 340 làng nghề và thu hút tới 300.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh.
Khi xuất khẩu gỗ, các doanh nghiệp cần lưu ý tới 4 rủi ro không thể bỏ qua
Theo ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia thuộc Trung tâm WTO, những rủi ro trọng tâm đối với các DN xuất khẩu gỗ hiện nay là tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, sử dụng lao động, hiểu biết về thị trường và hay xảy ra với thị trường Mỹ, EU và Úc.
Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của VN với 2,64 tỉ USD kim ngạch năm 2015 (chiếm 38%/tổng kim ngạch XK). Tốc độ tăng trưởng kim ngạch của thị trường này là 10-15%/năm. Tiếp theo là thị trường EU. Đây là thị trường quan trọng thứ 4 của VN về kim ngạch, với trên 700 triệu USD kim ngạch năm 2015. Thị trường lớn thứ 6 của VN là Úc với gần 160 triệu USD kim ngạch năm 2015.
Đối với thị trường Mỹ, khi xuất khẩu, các DN cần lưu ý tới Đạo luật Lacey có hiệu lực năm 2008 vì theo đạo luật này, việc buôn bán các sản phẩm gỗ được khai thác, vận chuyển hoặc thương mại trái phép tại quốc gia xuất khẩu và tại Hoa Kỳ sẽ bị coi là hoạt động phạm pháp.
Cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phải chịu phạt tiền hoặc tù tùy theo mức độ vi phạm. Đạo luật này đòi hỏi tăng cường trách nhiệm giải trình của DN khai báo tên và nguồn gốc xuất xứ gỗ.
Riêng với thị trường EU đang áp dụng Chương trình Hành động FLEGT hay còn gọi là EUTR, có hiệu lực 03/3/2013. Chương trình này cấm khai thác gỗ trái phép, khi khai thác gỗ phải lưu trữ thông tin về người mua và người bán. Cá nhân, tổ chức khai thác gỗ phải thực hiện trách nhiệm giải trình (Thông tin về toàn bộ chuỗi cung, đánh giá rủi ro, giảm thiểu rủi ro).
Thị trường Úc cũng bị tác động bởi Luật cấm khai thác gỗ lậu của Úc có hiêu lực cuối 2014 với những quy định trách nhiệm giải trình từ DN rất nghiêm ngặt.
Các chuyên gia của Trung tâm WTO đưa ra 4 nhóm cảnh báo rủi ro:
Rủi ro đầu tiên là tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Đối với gỗ khai thác trong nước, các DN phải loại trừ được gỗ khai thác bất hợp pháp như: gỗ có nguồn gốc từ rừng chuyển đổi bất hợp pháp, gỗ khai thác lậu từ các khu vực cấm, gỗ từ các khu vực nội chiến, gỗ tài trợ cho chiến tranh.
Rủi ro thứ hai là thiếu hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng hiệu quả. Các DN sẽ không kiểm soát được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong chuỗi cung ứng có vi phạm quy định cấm hay không; gỗ có bị lẫn tạp nguồn nguyên liệu sử dụng trong sản phẩm phục vụ các thị trường khác nhau hay không?
Rủi ro thứ ba là về sử dụng lao động không có hợp đồng lao động, lao động ngoài độ tuổi lao động.
Rủi ro thứ tư là thiếu hiểu biết về quy định của thị trường.
Bá Tú / DĐDN