Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ảnh minh họa.
Chiều ngày 10/5, Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Agrotrade) - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn công bố thông tin về tình hình và thị trường xuất khẩu nông sản tháng 4/2021.
KHU VỰC CHÂU Á LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 4/2021 ước đạt 4,45 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 125 triệu USD, tăng 37,4%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1% và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,33 tỷ USD, tăng 50,9%.
Về thị trường, các thị trường thuộc khu vực châu Á ước tăng 18,2%, đạt 8,05 tỷ USD; châu Mỹ tăng 56,7%, đạt 4,73 tỷ USD; châu Phi tăng 11,8%, đạt 249 triệu USD; châu Đại Dương tăng 29,2%, đạt 239 triệu USD; xuất khẩu sang khu vực châu Âu xấp xỉ bằng với cùng kỳ năm 2020, đạt 1,72 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 4/2021 ước đạt 4,15 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 14,9 tỷ USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính 4 tháng đầu năm 2021 ước đạt 5 tỷ USD, tăng 121,9%; giá trị nhập khẩu chăn nuôi ước đạt 1,38 tỷ USD, tăng 36,9%; giá trị nhập khẩu thuỷ sản ước đạt 0,68 tỷ USD, tăng 22,1%; và giá trị nhập khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt gần 1 tỷ USD, tăng 33,7%.
Đối với lúa gạo, tuy khối lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch tăng nhờ giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2021 đạt 547,8 USD/tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020.
NHU CẦU NHẬP KHẨU GẠO CỦA CÁC NƯỚC TIẾP TỤC TĂNG CAO
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4/2021 ước đạt 700 nghìn tấn với giá trị đạt 362 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,9 triệu tấn với giá trị 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 36,3% thị phần, khối lượng và giá trị đạt 411,58 nghìn tấn và 219,96 triệu USD, giảm 30,7% về khối lượng và giảm 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Bờ Biển Ngà, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2020 và Úc tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm nhiều là Mozambique, giảm 53,5%.
Trong tháng 04/2021, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đạt 508 USD/tấn vào đầu tháng và đã giảm xuống còn 488 USD/tấn vào cuối tháng nhưng vẫn cao hơn gạo Thái Lan , nguyên nhân chính là do vụ Đông Xuân đã thu hoạch xong nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm, chờ đợi vụ Hè Thu sắp tới.
Giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 396 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã giảm xuống 377 USD/tấn vào cuối tháng. Hiện hoạt động logistics của Ấn Độ đang rất khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại và gây ra khủng hoảng rộng trong xã hội.
Giá gạo Thái Lan đạt mức 494 USD/tấn và giảm xuống 485 USD/tấn vào cuối tháng. Trong tháng 4 hoạt động thương mại tại Thái Lan diễn ra khá chậm chạp khi nước này trong dịp đón lễ hội Năm mới Songkran.
Agrotrade dự báo, năm 2021 do điều kiện thời tiết không thuận lợi tại nhiều nơi trên thế giới nên sản lượng lương thực giảm ở nhiều quốc gia, và nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng trong năm 2021. Thị trường châu Âu được dự báo sẽ sôi động hơn khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và Việt Nam là một đối tác thương mại gạo quan trọng.