Thị trấn Sa Pa nằm cách thủ đô Hà Nội 376 km về phía tây bắc, là điểm đến được nhiều người lựa chọn để tham quan cũng như nghỉ dưỡng.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa đưa vào khai thác đã giúp du khách giảm thời gian di chuyển tới Sa Pa còn 5 giờ. Do vậy bạn có thể dành hai ngày cuối tuần để thăm thú và nghỉ ngơi tại thị trấn xinh đẹp này. Dưới đây là lịch trình bạn có thể tham khảo:
Thứ 7: Khởi hành, khám phá thị trấn Sa Pa
6h: Xuất phát từ Hà Nội theo hướng cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Lưu ý: Xe lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai chỉ được chạy với tốc độ tối đa 100 km/h. Đoạn cao tốc mới có 2 cây xăng được xây dựng là điểm đầu vào từ Hà Nội và ở điểm giao cắt đi về Yên Bái.
Phí lưu thông trên tuyến quốc lộ Nội Bài - Lào Cai là 300.000 đồng cho xe dưới 12 chỗ ngồi.
11h: Ăn trưa tại thị trấn Sa Pa
13h: Khám phá thị trấn Sa Pa
Nhà thờ đá nằm ngay tại trung tâm thị trấn. Nơi đây cùng với hai công trình khác của người Pháp xây dựng là Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (nay là Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai) tạo thành thế tương xứng của kiến trúc Pháp tại phố núi. Phía trước khu nhà thờ là quảng trường rộng, nơi diễn ra các hoạt động giải trí của người dân trong vùng.
Khu du lịch núi Hàm Rồng: Du khách có thể hòa mình cùng thiên nhiên tươi đẹp ở đây và ngắm toàn cảnh thị trấn Sa Pa từ độ cao 1.800 m. Giá vé tham quan: 70.000 đồng/ người.
15h: Thăm bản Cát Cát
Cát Cát là bản dân tộc Mông nằm cách trung tâm thị trấn 2 km. Nơi đây còn giữ lại được nghề dệt thổ cẩm và chế tác đồ trang sức từ bạc, đồng truyền thống. Giá vé tham quan: 40.000 đồng/người.
16h: Tham quan thác Bạc
Nằm cách thị trấn Sa Pa 12km, thác Bạc có độ cao hơn 200 m, là thượng nguồn của con suối Mường Hoa dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Từ trên cao, nước đổ xuống tung bọt trắng xóa như những đóa hoa. Đây là một trong những điểm đến thu hút du khách khi đến Sa Pa. Giá vé tham quan: 10.000 đồng/người lớn và 5.000 đồng/trẻ em.
17h: Trở về thị trấn
Dọc đường từ thác Bạc về Sa Pa có nhiều nhà dân bán quả su su hái trực tiếp tại vườn với giá 3.000 đồng/kg. Ngoài ra, tại đây cũng có nhiều cây cảnh và hoa các loại mà bạn có thể mua về.
Dừng chân ven đường ngắm núi rừng cũng là một ý hay khi bạn di chuyển về thị trấn. Nếu may mắn bạn có thể bắt gặp những áng mây lớn ôm ấp quanh đỉnh núi tạo thành bức tranh thiên nhiên đẹp mắt.
Cá hồi vân Sa Pa được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn như chiên xù, gỏi...
18h30: Ăn tối tại thị trấn
Thực đơn món ngon tại Sa Pa khá phong phú. Bạn có thể lựa chọn rau su su xào, lợn cắp nách quay, cá suối nướng, cá hồi vân - đặc sản có tiếng tại phố núi. Cá hồi Sa Pa thịt chắc, màu hồng tươi, vị ngọt đậm đà được chế biến thành nhiều món khác nhau như sashimi, chiên xù, lẩu hay gỏi cá... Những món ăn này đều được phục vụ tại mọi nhà hàng trong thị trấn.
Đồ nướng Sa Pa cũng là món ngon bạn nên thưởng thức. Các quán nướng ở đây có thực đơn đa dạng như bò cuộn cải mèo, chả cá hồi, nấm, thịt gà, chim, ngô, khoai... Giá mỗi xiên đồ nướng dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng.
19h30: Tản bộ quanh thị trấn
Buổi tối, thị trấn Sa Pa trở nên nhộn nhịp hơn. Du khách tập trung trên các tuyến đường gần nhà thờ đá để mua sắm đồ lưu niệm và thổ cẩm của người dân tộc. Bạn có thể chọn cho mình một số món đặc trưng như khăn, túi thổ cẩm... sau đó ghé tới những quán cà phê hay bar như O' Chau Cafe, The Hmong Sisters, The Hill Station...
Lưu ý: Buổi tối ở Sa Pa nhiệt độ xuống thấp, bạn nên mang theo áo khoác và giầy bệt hoặc giầy thể thao cho tiện việc đi lại.
Chủ nhật: Đi chợ phiên Bắc Hà, tham quan dinh thự vua Mèo
7h: Lộ trình Sa Pa - Bắc Hà.
10h: Chợ phiên Bắc Hà
Chợ phiên Bắc Hà mở vào chủ nhật hằng tuần, nằm cách Sa Pa chừng 3 giờ đi ô tô. Chợ được chia làm nhiều khu vực khác nhau như khu bán thổ cẩm, khu bán nông sản, nông cụ và đặc biệt là khu ăn uống. Du khách tới chợ không chỉ được tham quan, mua sắm mà còn được trải nghiệm không gian văn hóa đậm sắc màu của vùng cao.
Du khách có thể mua các loại thuốc thiên nhiên của người dân tộc tại chợ phiên Bắc Hà.
Hãy thử ngồi lại trong một gian bán đồ ăn giữa những người dân tộc để thưởng thức bát bánh đúc ngô đặc sản hay ghé sang phía đối diện để nhâm nhi món mèn mén làm từ ngô tẻ, thắng cố. Một bát thắng cố có giá 30.000 đồng.
12h: Ăn trưa tại Bắc Hà
Bạn có thể ăn trưa tại các nhà hàng gần chợ với một số đặc sản như xôi ngũ sắc, khâu nhục, su su luộc, thắng cố, thịt lợn cắp nách quay....
13h: Tham quan dinh thự vua Mèo
Dinh thự vua Mèo hay còn gọi dinh Hoàng A Tưởng là ngôi nhà bề thế được xây dựng vào năm 1914. Đây là công trình kiến trúc độc đáo được thiết kế bởi hai kiến trúc sư người Pháp và Trung Quốc. Mặc dù không còn giữ được nguyên vẹn nội thất bên trong nhưng khách tham quan vẫn có thể cảm nhận được sự uy nghi, quyền thế một thời. Tòa nhà gồm nhà chính và hai dãy nhà ngang. Mỗi dãy đều có hai tầng và thấp hơn nhà chính. Du khách có thể tự tham quan hoặc theo sự hướng dẫn của cán bộ trung tâm thông tin du lịch được đặt tại tầng một của tòa nhà.
Phía sau dinh thự vua Mèo là mô hình nấu rượu ngô truyền thống của người dân Bắc Hà. Bạn có thể tìm hiểu công thức làm nên chén rượu ngô say nồng từ những người sản xuất trực tiếp tại đây.
14h: Tham quan bản làng bằng xe ngựa
Một hoạt động thú vị tại Bắc Hà mà du khách được trải nghiệm là đi xe ngựa với tiếng lục lạc vui tai tham quan bản làng của người dân tộc. Cảnh quan bình yên, thoáng đãng của núi rừng cùng những nụ cười, ánh mắt trong veo của trẻ em vùng cao sẽ khiến du khách có được những kỷ niệm đáng nhớ.
15h: Lên xe về Hà Nội
Theo Diệu Huyền - VnExpress