Sau khi hoàn tất xong các thương vụ sáp nhập, các ông chủ nhà băng đã bày tỏ sự hài lòng khi nhìn thấy trong thời gian ngắn ngân hàng lại có cơ hội tăng trưởng thần tốc về quy mô về tổng tài sản, vốn điều lệ, nhân sự, mạng lưới mà bình thường có khi phải mất nhiều năm mới có được.
Bất kỳ cuộc “hôn nhân” nào cũng có sự đánh đổi "được" và "mất". Năm 2015, làn sóng mua bán, sáp nhập đã tràn qua hệ thống ngân hàng với kết quả hàng loạt cặp đôi chính thức “góp gạo thổi cơm chung” như MHB - BIDV, Mekong Bank - Maritime Bank và Southern Bank - Sacombank. Trước đó vài năm là Habubank nhập vào SHB; Đại Á vào HDBank.
Trải qua giai đoạn đầu, các ngân hàng đều đang phải “trả giá” sau mỗi thương vụ sáp nhập về nợ xấu, về sự tụt lùi lợi nhuận,… song có thể thấy hệ thống ngân hàng sẽ “được” nhiều hơn “mất”.
Cái lợi ai cũng nói sau những cuộc hôn nhân này là sự ổn định chung của toàn thị trường. Sau khi khắc phục những hậu quả nặng nề của các ngân hàng yếu kém, nền kinh tế sẽ có một hệ thống ngân hàng “khỏe mạnh”, phát triển ổn định và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như các cổ đông và nhà đầu tư. Các ông chủ ngân hàng khi đó còn bày tỏ sự hài lòng chỉ trong thời gian ngắn lại có cơ hội tăng trưởng thần tốc về quy mô về tổng tài sản, vốn điều lệ, nhân sự, mạng lưới mà có khi phải mất nhiều năm mới có được.
Đến nay, 5 ngân hàng nhận sáp nhập đã đang đi trên quỹ đạo nào?
SHB
Năm 2012, SHB sáp nhập Habubank. Ngay trong năm 2012, ngân hàng sau sáp nhập có lợi nhuận trước thuế 1.825 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế và sau khi bù đắp lỗ lũy kế của Habubank chỉ còn 26 tỷ đồng.
Gánh nặng lớn nhất là nợ xấu chuyển giao. Trước sáp nhập, nợ xấu SHB chỉ 2,67%, đón nhận Habubank, nợ xấu đột biến tới 8,52%. Từ 8,52%, nợ xấu SHB đến 30/9/2015 đã giảm xuống còn 2,38%. Cũng như các ngân hàng khác, nợ xấu SHB giảm nhanh một phần gián tiếp qua tăng mạnh tổng dư nợ, một phần bán lại cho VAMC, một phần cơ cấu lại, và đáng chú ý ở phần chính là tự thu hồi và xử lý được.
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng về quy mô tổng tài sản của SHB những năm gần đây cho thấy, thị phần của ngân hàng này đang mở rộng khá nhanh. 9 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản của SHB đạt hơn 215.000 tỷ đồng, vốn tự có đạt gần 13.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 788,5 tỷ đồng, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng vốn huy động đạt hơn 198.359 tỷ đồng, trong đó huy động từ thị trường I đạt 176.367 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015. Tổng dư nợ đạt hơn 147.340 tỷ đồng - tăng 12,1% so với cuối năm 2015. Đến 30/9/2016, tỷ lệ nợ xấu của SHB ở mức 2,25% trên tổng dư nợ. Ngân hàng đã thu hồi được 1.520 tỷ đồng nợ xấu từ đầu năm tới nay.
Sau hơn 3 năm sáp nhập Habubank, SHB tiếp tục sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) để SHB có đầu mối chuyên biệt phát triển tín dụng tiêu dùng, vừa là xu hướng hoạt động, vừa đáp ứng yêu cầu NHNN đặt ra.
Hồi giữa tháng 9/2016, NHNN đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc việc SHB nhận sáp nhập VVF và thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. Dự kiến sau khi được chấp thuận chính thức từ NHNN trong quý IV/2016, SHB sẽ hoàn thiện các thủ tục để chính thức thành lập Công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn của SHB, có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Sau sáp nhập VVF, SHB dự tính kết quả kinh doanh sẽ bắt đầu chuyển biến hơn từ năm tới, với lợi nhuận trước thuế dự kiến năm 2016 là 1.391 tỷ đồng, năm 2017 là 1.596 tỷ đồng.
HDBank
Năm 2013, với sức mạnh hội nhập từ DaiABank và HDFinance, HDBank trở thành một trong những ngân hàng lớn tại Việt Nam, có tổng tài sản gần 100.000 tỷ đồng, vốn điều lệ là 8.100 tỷ đồng và mạng lưới hoạt động hơn 210 điểm giao dịch trên cả nước.
Sau khi mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Việt Société Générale (SGVF) hơn 1 năm, HDBank chuyển nhượng 49% vốn HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). HDBank vẫn sở hữu 50% vốn điều lệ của HDFinance; Credit Saison sở hữu 49% và CTCK HSC sở hữu 1% vốn điều lệ của HDFinance; đồng thời được chuyển đổi sang thương hiệu HD Saison.
Kết thúc năm 2015, ngân hàng đạt tổng tài sản 102.423 tỷ đồng, vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng. Tổng vốn huy động đạt 82.092 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2014. Tổng dư nợ tín dụng 67.252 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2014. Nợ xấu kiểm soát ở mức 0,97%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 836 tỷ đồng. Lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,81%; Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 8,92 %. Mạng lưới gồm 220 điểm giao dịch cùng 4.500 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.
Trong năm 2015 HDBank tiếp tục là 1 trong 4 ngân hàng TMCP được NHNN xếp hạng A. HDBank cũng được tiếng là ngân hàng chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông cao nhất hệ thống ngân hàng trong vòng 2 năm trở lại đây với tỷ lệ 10% trên vốn điều lệ và được các cổ đông đồng thuận.
BIDV
Ngày 22/5/2015, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đã chính thức hoàn thành sáp nhập ngân hàng vào BIDV. Theo đó, thương hiệu MHB đã chính thức "biến mất". BIDV đã chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo nhận diện của BIDV chỉ trong thời gian vỏn vẹn có vài ngày.
Sau sáp nhập với MHB, tổng tài sản BIDV đã lên tới 700 nghìn tỷ đồng, đứng thứ tư trong hệ thống ngân hàng thương mại nội địa về quy mô tài sản. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên trên 34.000 tỷ đồng. Mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm trên cả nước, với tổng số lao động là gần 24.000 cán bộ, nhân viên.
Cả năm 2015, BIDV ghi nhận 7.949 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 26% so với năm trước. Nếu bao gồm phần lỗ lũy kế do MHB chuyển giao khi sáp nhập là âm (-) 476 tỷ đồng, thì ợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt 7.473 tỷ đồng.
Năm 2016, BIDV đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế khiêm tốn ở mức 7.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kết quả thực hiện năm 2015. Lý do có lẽ BIDV đang xử lý nốt những vấn đề sau sáp nhập nên ít nhiều ảnh hưởng đến đà tăng trưởng.
Kết thúc quý 3 năm nay, BIDV báo đạt tổng tài sản hơn 950 nghìn tỷ đồng. Con số này cao hơn 50 nghìn tỷ so với VietinBank và bỏ xa Vietcombank khi ngân hàng chưa đạt 740 nghìn tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt lần lượt 5.623 tỷ và 4.569 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nợ xấu là một vấn đề khiến BIDV khá đau đầu sau sáp nhập. Sau 9 tháng đầu năm, riêng ngân hàng có 13.217 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tiếp tục tăng mạnh thêm 46% lên gần 7 nghìn tỷ đồng.
Maritime Bank
Tháng 8/2015, Maritime Bank đã tiến hành nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB). Với sự cộng hưởng từ MDB, Maritime Bank được bổ sung nguồn lực với vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ đồng, đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người; tổng tài sản là 113.000 tỷ đồng.
Con số chi nhánh, phòng giao dịch của MaritimeBank sẽ nâng từ 221 lên gần 300, đưa ngân hàng thuộc top 5 về mạng lưới, top 3 về vốn điều lệ trong khối NHTM cổ phần.
Với thương vụ sáp nhập năm 2015, vốn chủ sở hữu của ngân hàng tăng 44% so với đầu năm, đạt 13.621 tỷ đồng. Hệ số an toàn vốn CAR đạt 24.53% tại thời điểm 31/12/2015. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm 0,5%, ở mức 2,61%.
Năm đầu tiên sau sáp nhập, ngân hàng ghi nhận 158 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm nhẹ - 2,4% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng.
Điệp khúc "Năm nay chúng ta sẽ không chia cổ tức" đã trở thành câu nói quen thuộc mà cổ đông của Maritime Bank phải nghe triền miên vài năm nay và thậm chí là cả năm sau.
Sacombank
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 10/7/2015 dẫn số liệu của NHNN chi nhánh TP HCM cho thấy, tỷ lệ nợ xấu thực tế tại Southern Bank tại 30/6/2012 là 45,6%, tháng 11/2013 lên tới 55,31%.
Lãnh đạo Sacombank cho biết, số nợ này đã được đối tác Southern Bank xử lý một phần lớn, số còn lại đa phần đủ tài sản đảm bảo và có khả năng thu hồi. Tuy nhiên, để xử lý được phần cứ cho là nhỏ còn lại cũng không đơn giản vì ít nhiều sẽ làm chậm quá trình phát triển đang rất tích cực của Sacombank.
Trong đề án chi tiết sáp nhập vừa được Sacombank công bố cho thấy, dự kiến năm 2015 Sacombank sẽ phải trích lập hơn 1.800 tỷ đồng dự phòng; năm 2016 là 3.109 tỷ đồng và năm 2017 sẽ trích lập trên 5.200 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro.
Sau năm 2013 và 2014 đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với gần 3.000 tỷ đồng, đầu năm 2015 nhà băng này đã tính đến con số lớn hơn nữa với triển vọng tương lai đầy tươi sáng.
Nhưng từ sau khi nhận sáp nhập Southern Bank vào tháng 10 năm ngoái, Sacombank phải gánh chịu và xử lý những tồn tại của Southern Bank. Kết quả là, nợ xấu đang từ con số trên dưới 1.000 tỷ mỗi năm trong những năm trước tăng lên trên 3.000 tỷ đồng, ngân hàng phải dành lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, vì thế lợi nhuận trước thuế chỉ còn mức hơn 1.000 tỷ trong năm ngoái và 9 tháng đầu năm nay giảm về 550 tỷ.
Nhưng “cái mất” trong thương vụ này dễ nhìn thấy là khó khăn đang ghì lấy kết quả kinh doanh của ngân hàng, mà trước đó hội đồng quản trị đã dự trù phải mất vài ba năm nữa mới có thể cân bằng trở lại.
Nhưng cái được của Sacombank sau khi nhận sáp nhập của Southern Bank là rất nhiều, là cánh tay nối dài cho ngân hàng này. Vốn điều lệ và tổng tài sản của ngân hàng này theo báo cáo tài chính đang dẫn đầu nhóm cổ phần. Tổng tài sản đến 30/9 đạt hơn 320 nghìn tỷ đồng, tăng thêm 28 nghìn tỷ tương đương 9,6% so với đầu năm. Nguồn vốn điều lệ đạt 18.852 tỷ. Nhân sự của Sacombank hiện đã vượt 17.000 người, sau khi tuyển mới 527 người trong 9 tháng, đứng thứ 4 trong hệ thống chỉ sau Agribank, BIDV, Vietinbank. Quy mô mạng lưới hơn 500 chi nhánh/phòng giao dịch với độ phủ dày nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần, thậm chí rộng hơn cả Vietcombank.
Kim Tiền
Theo Trí thức trẻ