Trong năm sức mua suy yếu do dịch Covid-19, hàng loạt hãng xe trở lại, nhiều sản phẩm mới xuất hiện lần đầu, xe Trung Quốc tạo sóng tranh cãi.
2020 trở thành một trong những năm ảm đạm nhất của thị trường ôtô Việt Nam. Khuyến mãi dồn dập từ hãng, đại lý đến các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đều nhằm mục đích kích cầu, kéo lại sức mua suy yếu rõ rệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
VnExpress điểm lại 5 điểm nhấn chính của thị trường ôtô trong nước 2020:
Dịch Covid-19 phủ bóng ngành xe
Nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, khi cả nước bước vào cao điểm chống dịch, hàng loạt nhà máy lắp ráp và đại lý của các hãng xe tại Việt Nam đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Khó khăn kinh tế khiến người dân không còn ưu tiên sắm xe, đẩy thị trường vào tình cảnh ảm đạm dù giá xe giảm liên tục.
Một showroom Toyota trên đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội) đóng cửa, chiều 28/3. Ảnh: Minh Quân
Covid-19 được nhắc đến nhiều nhất trong một năm đầy biến động của ngành xe Việt Nam. Các triển lãm ôtô, xe máy đồng loạt hủy tổ chức, ra mắt xe mới thực hiện online, kế hoạch kinh doanh nhiều hãng hoãn, hủy hay chuyển hình thức triển khai.
Trước tình hình khó khăn do dịch bệnh, dù các doanh nghiệp nhập khẩu không đồng tình vì cho rằng phân biệt đối xử, Chính phủ vẫn ban hành Nghị định 70/2020 hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng 28/6-31/12. Doanh số bán hàng từ tháng 7 bắt đầu khởi sắc và tăng dần về cuối năm.
Nhưng dịch không chỉ ở Việt Nam, nguồn cung linh kiện từ nước ngoài bị ảnh hưởng khiến lượng xe lắp ráp trong nước xuất xưởng không đủ nhu cầu, tạo ra tình trạng khan hàng. Càng về cuối năm, tâm lý mua xe chạy phí ưu đãi càng lớn nhưng nhiều mẫu xe "hot" không còn hàng để giao.
Lũy kế đến tháng 11, doanh số toàn thị trường (số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam - VAMA) giảm 13% so với cùng kỳ 2019. Trong khi TC Motor, hãng bán xe Hyundai và là thương hiệu bán nhiều xe nhất thị trường, giảm 14%.
Các thương hiệu quay lại thị trường
Tình cảnh ảm đạm của thị trường không ngăn nhiều thương hiệu làm mới bản thân hoặc xuất hiện trở lại dưới nhà phân phối khác. Những khó khăn của 2020 kìm tỏa phần nào các kế hoạch của hãng và 2021 mang đến những hy vọng mới.
Với MG, Renault, Jeep, đây là những cái tên đã từng xuất hiện tại Việt Nam nhưng kinh doanh không thành công. Các sản phẩm của MG gồm ZS, HS hiện nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Renault gồm Arkana, Kaptur nhập Nga, Jeep gồm Wrangler, Gladiator nhập Mỹ đều đã bán ra thị trường.
Hai mẫu Arkana nhập khẩu Nga tại đại lý Renault ở quận 7, TPHCM. Ảnh: Hương Vân
2 hãng xe khác là Nissan và Rolls-Royce, tuy không thuộc diện "trở lại" sau nhiều năm vắng bóng, nhưng lần bắt tay nhà phân phối mới để mở ra giai đoạn kinh doanh tích cực hơn cũng đưọc xem là sự tái xuất với nhiều kỳ vọng.
Nissan kết thúc mối duyên với Tan Chong (Malaysia), hãng phân phối MG tại Việt Nam và hợp tác với công ty trong nước, VAD. Trong khi thương hiệu siêu sang Rolls-Royce chuyển quyền phân phối từ Regal Motors sang S&S Automotive, công ty thuộc S&S Group chuyên phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam như đồng hồ, trang sức, thời trang, mỹ thuật.
Xe mới ồ ạt ra mắt
Dù nhiều kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng các hãng vẫn "chăm" ra mắt xe mới như một cách để hâm nóng hình ảnh lẫn tăng sức cạnh tranh trước đối thủ. Toyota, Hyundai, Mazda, Kia, Mitsubishi, Suzuki, Honda... đều có các sản phẩm mới đáng chú ý.
Corolla Cross trong lần đánh giá của VnExpress tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quân
Chưa năm nào như 2020, Toyota làm mới dải sản phẩm nhiều đến vậy. Wigo, Vios, Altis, Yaris, Hilux, Innova, Fortuner đều có phiên bản nâng cấp, tăng trang bị. Hãng lần đầu đưa về Corolla Cross nhiều công nghệ trong nỗ lực làm mới hình ảnh cũng như tạo cú hích cho mùa bán hàng cuối năm.
Thị trường xe 2020 cũng đón nhận các tân binh lần đầu bán ở Việt Nam như Mitsubishi Xpander Cross, Kia Seltos, Peugeot 2008, Suzuki XL7, Renault Arkana, Mercedes GLB, Land Rover Defender, Porsche Taycan... Những mẫu xe bán chạy như Hyundai Accent, Honda CR-V, City cũng được nâng cấp hoặc có thế hệ mới ở Việt Nam.
Hiện tượng xe Trung Quốc
Brilliance V7, Beijing X7, BAIC X55 với trang bị ngập tràn kèm mức giá thấp so với xe Nhật, Hàn cùng phân khúc tạo nên cơn sốt rầm rộ tại Việt Nam. Những cuộc tranh cãi kéo dài trên các diễn đàn, hội nhóm chơi xe về chất lượng xe Trung Quốc, mức độ hỗ trợ kỹ thuật của các hãng nước ngoài cho thương hiệu xe hơi đại lục. Thậm chí MG, một thương hiệu Anh nhưng được tập đoàn SAIC (Trung Quốc) mua lại, cũng được đem ra bàn tán về nguồn gốc.
Beijing X7 trong một sự kiện ra mắt nội bộ ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Phạm Trung
Ngoại hình hiện đại, giá rẻ nhưng công nghệ nhiều là điểm thu hút chính của xe hơi Trung Quốc. Cạnh tranh CX-5, CR-V nhưng BAIC X55, Brilliance V7 lần lượt chỉ 528 triệu và 723 triệu đồng, tức rẻ hơn khoảng phân nửa các đối thủ Nhật. Trong khi Beijing X7 giá 528 - 688 triệu nhưng trang bị như xe sang.
Tạo cơn sốt bàn luận nhưng cũng nhanh chóng sau đó, hiện tượng xe Trung Quốc dần tan biến. Phần vì lượng xe về nước không nhiều, phần khác từ sự dè dặt của khách hàng về chất lượng cần được kiểm chứng thêm khi yếu tố "mới" qua đi.
Ôtô từ đại lục vẫn chủ yếu được nhập khẩu bởi một vài công ty phía bắc, bán chung nhiều mẫu xe. Để chinh phục khách hàng trong nước và thuyết phục họ về sự nghiêm túc trong cách thức bán hàng và chất lượng bảo đảm, cách xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, bài bản của các hãng Trung Quốc và đơn vị phân phối tại Việt Nam chưa thật sự quyết liệt.
Tranh cãi dai dẳng về lỗi xe
Năm 2020 diễn ra nhiều cuộc triệu hồi xe do lỗi túi khí Takata, bơm xăng Denso, phần mềm điều khiển... với số lượng hàng chục nghìn chiếc. Những hãng bị ảnh hưởng như Toyota, Honda, Mercedes, Audi, Ford.
Bên cạnh các cuộc triệu hồi, khách hàng sử dụng xe và hãng nhiều lần không tìm được tiếng nói chung khi phát sinh các vấn đề về chất lượng xe. Hồi cuối tháng 2, sau khi nhiều khách hàng phản ánh, Trường Hải triệu hồi hơn 600 chiếc Mazda3 2020 để cập nhật phần mềm điều khiển hệ thống phanh bổ trợ, khắc phục hiện tượng phanh tự động kích hoạt ngoài ý muốn.
Nhóm chủ xe Ford có động cơ rò rỉ dầu tập trung tại Hà Nội hôm 1/3. Ảnh: Quốc Việt
Tranh cãi dai dẳng nhất trong ngành xe 2020 là hiện tượng rò rỉ dầu trên các xe Ford Ranger, Everest, Ranger Raptor lắp động cơ 2.0 tăng áp, nhập khẩu Thái Lan. Chất lượng gia công bề mặt ống làm mát khí nạp và quá trình bôi keo mặt che dây đai cam không đủ độ kín khiến dầu rò rỉ ở động cơ khiến nhiều chủ xe lo lắng. Các cuộc đối thoại giữa người tiêu dùng và đại lý, đại diện hãng xe nhiều lần được tổ chức.
Sự việc kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6 mới được Ford Việt Nam giải quyết dưới sự chứng kiến của đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương). Các chủ xe tạm hài lòng, còn lô xe đời 2020 nhập khẩu Thái Lan đã được hãng khắc phục tình trạng này để tránh tâm lý lo lắng cho người dùng, dù hãng nói hiện tượng rò rỉ dầu động cơ không gây mất an toàn xe.
Một hãng xe khác cũng có hiện tượng rò rỉ dầu ở động cơ là Suzuki trên XL7 nhưng lượng ít hơn xe Ford. Hãng nói rằng do dầu sử dụng khi gia công, lắp ráp động cơ còn dư hoặc do dầu bị thấm từ thân động cơ. Điều này cũng không gây ảnh hưởng đến an toàn xe. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng xe Ertiga phản ánh xe bị hụt hơi khi tăng tốc. Hãng sau đó trấn an rằng, "đây là hoạt động bình thường của hộp số tự động 4 cấp, không phải lỗi thiết kế của nhà sản xuất".