Dù có nhiều kết quả tốt, nhưng trong thời gian gần đây, hoạt động du lịch Đà Nẵng có những hạn chế khiến dư luận quan tâm. Chúng tôi nhận được bài viết của ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó TGĐ Vitours.
Phải khẳng định trong những năm qua, du lịch Đà Nẵng đã có sự phát triển vượt bậc, bứt phá về số lượng khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng tăng cùng với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch đi kèm. Có được điều đó trước hết là nhờ lãnh đạo TP đến DN và người dân cùng bắt tay nhau làm du lịch, hỗ trợ phát triển ngành du lịch. Cụ thể, trên địa bàn TP Đà Nẵng có thể nhận thấy các điểm tham quan không tăng giá trong khi các địa phương lân cận như Huế, Quảng Nam, Quảng Bình,… đều đồng loạt tăng giá tham quan các điểm du lịch. Đây là điểm được khách du lịch đánh giá rất cao.
Thứ hai, văn hóa về du lịch trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng rất hay, người dân hiền hòa, chỉ dẫn rất tận tình cho du khách; Cảnh sát giao thông thì không xử phạt xe ngoại tỉnh đi sai làn đường, đi ngược chiều mà còn hướng dẫn cho du khách để họ không tái phạm;… Thứ ba, trong thời gian ngắn, Đà Nẵng kêu gọi, hỗ trợ và xúc tiến duy trì đường bay trong nước và quốc tế để thu hút khách du lịch, tạo mọi điều kiện để du khách đến với Đà Nẵng.
Thứ tư, Đà Nẵng đã chủ động tạo các sự kiện trong nước và quốc tế để thu hút và quảng bá. Thứ năm, sản phẩm du lịch Đà Nẵng đã đạt đến tầm quốc tế. Cuối cùng là tư duy hoạt động du lịch của Đà Nẵng hơn hẳn các địa phương khác như chủ động nghiên cứu như cầu của khách du lịch thay đổi như thế nào, định hướng cho các DN du lịch cho ra những sản phẩm mới để phục vụ du khách.
Tuy nhiên, trong hoạt động du lịch Đà Nẵng cũng có những hạn chế như báo chí đã phản ánh trong thời gian qua. Do đó, theo quan điểm của tôi, để trong thời gian tới du lịch Đà Nẵng phát triển mạnh, bền vững thì Đà Nẵng cũng cần làm một số việc.
Thứ nhất, do đặc thù của mình nên ở Đà Nẵng mùa vụ du lịch rất rõ rệt: từ tháng 9 đến tháng 12 Đà Nẵng rất thiếu khách trong khi mùa này là mùa cao điểm khách quốc tế đến VN do đó Đà Nẵng phải làm sao để “kéo” khách đến với mình trong thời gian này bằng việc điều chỉnh các sự kiện phù hợp với thời tiết để thu hút du khách như du lịch tâm linh, du lịch hội thảo,…; tăng cường nghiên cứu lượng khách đến Việt Nam vào thời gian này là những đối tượng nào để từ đó có chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch.
Thứ hai, có một thực trạng là hệ thống khách sạn trên địa bàn TP Đà Nẵng phát triển rất mạnh nhưng lữ hành lại phát triển chưa tương xứng. Do đó, TP cần có định hướng, các cơ chế chính sách để hỗ trợ các DN phát triển đồng thời phải “dẹp” được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN du lịch trên địa bàn TP về giá, chất lượng tour,…
Thứ ba, nguồn nhân lực du lịch Đà Nẵng vẫn chưa phát triển xứng tầm nếu không muốn nói là thiếu và yếu. Chính việc thiếu lực lượng lao động đã nảy sinh tiếp hệ lụy là các đơn vị tìm đủ mọi cách lôi kéo nhân lực có kinh nghiệm của nhau hoặc phải chọn giải pháp tuyển người từ nước ngoài hoặc từ Hà Nội, TP HCM và các tỉnh lân cận với mức lương rất đắt đỏ. Do đó, Đà Nẵng cần phải có chiến lược đào tạo bài bản nguồn nhân lực phục vụ ngành ngày.
Thứ tư, hiện nay có một thực trạng đang diễn ra trên địa bàn TP Đà Nẵng là các công ty du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc đang đổ sang Đà Nẵng tự thuê phương tiện, hướng dẫn viên, book nhà hàng và trả tiền mặt trực tiếp nên hầu như họ trốn thuế, ngân sách thất thu và DN du lịch không thể cạnh tranh được về giá với các công ty này. TP cần phải quyết liệt để xử lý tình trạng này
Thứ năm, về sản phẩm du lịch Đà Nẵng cũng cần đầu tư mạnh hơn nữa để phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Lấy ví dụ về sản phẩm quà lưu niệm, Đà Nẵng cần phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng, riêng có của Đà Nẵng để phục vụ du khách. Do đó, Đà Nẵng cần phát động một cuộc thi liên quan đến vấn đề này để tìm ý tưởng và phát triển các ý tưởng đó.
Cuối cùng, về công tác xúc tiến quảng bá. Đà Nẵng cần đầu tư ngân sách nhiều hơn để mang hình ảnh Đà Nẵng đến với du khách quốc tế, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Nhât Bản, Châu Âu,…
(Theo dddn)