Cháo lươn Nghệ An, cháo ấu tẩu hay cháo tiều là những món cháo đặc sắc, độc đáo mà đã nếm một lần là bạn sẽ nhớ mãi.
1. Cháo lòng
Đây là món cháo khá phổ biến mà bạn có thể bắt gặp bán ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Ở mỗi nơi, cháo lòng lại có chút biến tấu và cách chế biến khác nhau nhưng nhìn chung không thể được các loại lòng luộc như dồi tiết, lòng non, tim, gan, phổi... Cháo lòng có màu nâu đặc trưng do có huyết heo trong thành phần. Bát cháo lòng nóng hổi là món ăn lý tưởng với bất cứ ai, nhất là khi trời se lạnh.
Cháo lòng Sài Gòn.
2. Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu là món cháo đặc sản ở Hà Giang. Món cháo này ban đầu là món ăn giải cảm của người Mông nhưng về sau trở thành món ăn đặc sản được nhiều người yêu thích. Để nấu một nồi cháo ấu tẩu rất công phu, ngoài việc chọn những nguyên liệu như chân giò, trứng gà, gạo tẻ, gạo nếp cái thì khâu mất nhiều thời gian nhất có lẽ là khâu làm củ ấu tẩu. Đây là loại củ khá độc nên người nấu phải chế biến qua nhiều bước để giảm bớt và nấu thật lâu để khử độc tính trong củ. Nếu làm ẩu, nấu chưa đủ thời gian người ăn có thể bị trúng độc. Bát cháo ấu tẩu thành phẩm có sắc nâu đậm, vị bùi béo, thơm, ngọt. Món ăn còn giúp an thần và giải cảm.
Điểm đặc trưng của cháo ấu tẩu là vị đắng, nếu lần đầu ăn bạn có thể phải nhăn mặt nhưng nếu đã ăn quen rất dễ gây nghiện.
3. Cháo lươn Nghệ An
Có lẽ nhắc đến món cháo lươn, người ta sẽ nghĩ ngay đến Nghệ An, vùng đất nổi danh với món ăn này. Cháo lươn Nghệ An luôn nổi tiếng bởi vị ngon, ngọt và không hề có mùi tanh. Thành phần của một bát cháo lươn gồm có cháo nấu từ gạo rang, lươn xào nghệ, ơn và thành tăm.
Cháo lươn nóng phải ăn kèm với rau ngổ mới có thể thấy hết vị thơm ngon của nó. Cách nấu cháo lươn không khó, nhưng để có được một bát cháo thơm ngon đúng điệu, chỉ ngửi thôi cũng thèm thì còn phải phụ thuộc vào tay nghề của người nấu. Cũng có ý kiến cho rằng thứ hành tăm đặc sản của Nghệ An đã góp phần tạo nên hương vị độc đáo không đâu có được của món ăn này.
4. Cháo ám
Cháo ám thực ra là cháo cá lóc - vốn là món ngon nổi tiếng những năm 30 của Trà Vinh. Nấu nồi cháo ám ngon tốn khá nhiều công sức. Đầu tiên là chọn mua cá lóc thật tươi và to, mập thịt rồi cắt thành từng khứa đem đi luộc. Khi chín, gỡ thịt thành từng miếng vừa ăn rồi xào với hành mỡ. Nước luộc cá dùng để cho gạo vào nấu cháo. Cháo cá ám ngon không thể thiếu những gia vị như củ hành khô, tôm khô, mực khô nướng.
Cháo cá ám được ăn với các gia vị gồm mắm nêm ngon đã được pha dịu, tương hột đâm nhỏ, ớt bỏ hột bằm nhuyễn, xào sền sệt với tỏi làm tương ớt, tiêu xay, dậu phộng rang giã nhỏ. Tất cả các gia vị trên được nêm vào tô cháo tùy theo khẩu vị của từng người. Và đương nhiên, cháo ám đúng điệu không thể thiếu được các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn phủ lên trên bát cháo.
5. Cháo Tiều
Cháo Tiều là một trong những món ăn đặc sắc của người Việt gốc Hoa ở Sài Gòn. Nguyên liệu của món cháo này gồm gạo, thịt bằm, gan, mực, phèo, dạ dày, cật... Ngoài ra còn có mực, nấm rơm, hành lá, và đặc biệt nhất là có thêm một trứng gà ta ăn kèm. Cũng bởi những thành phần quá đỗi phong phú này mà trước đây người ta thường quen gọi cháo Tiều là "cháo thập cẩm". Ăn bát cháo nóng hổi bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm đà tiết ra từ thịt, mực kết hợp với độ thơm, sánh của cháo. Đặc biệt vào ngày mưa, món cháo này càng ngon và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Ăn món cháo này không thể thiếu giò cháo quẩy.