Học sinh THCS cần nắm chắc 5 nguyên tắc khi gặp tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy để tránh bị lôi kéo vào con đường sử dụng, vận chuyển trái phép.
Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) từng khảo sát trên 1.100 học sinh các trường phổ thông ở 5 quận của Hà Nội và một số địa phương khác, có tới 44% nói rằng không hiểu gì về dấu hiệu nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% chưa biết đến kỹ năng cần thiết để phòng tránh.
Để cải thiện thực trạng này, từ đầu năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Viện PSD tổ chức biên soạn bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" trong trường học với bốn đầu sách cho từng đối tượng là học sinh THCS, THPT, phụ huynh và thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục. Trong cuốn "Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh THCS", nội dung về kỹ năng nhận biết và xử lý khi gặp các tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy được nêu rất rõ.
Lần đầu tiên một người sử dụng ma túy thường thông qua các buổi sinh nhật, đi chơi tập thể, đi hát karaoke cùng bạn bè. Và theo thói quen, cứ khi nào đi như vậy, họ sẽ tiếp tục sử dụng ma túy. Tình trạng ấy lặp đi lặp lại đến khi họ nhận ra mình nghiện ma túy thì mọi thứ đã muộn.
Có rất nhiều nguy cơ mà các em có thể gặp như ăn đồ ăn, thức uống có pha trộn hoặc cho ma túy vào; bị người khác cho ăn, uống đồ có chứa chất ma túy; bị ép sử dụng đồ có chứa ma túy; nhờ vận chuyển đồ có chứa chất ma túy; bị rủ rê, lôi kéo vào hành vi bán hàng, vận chuyển đồ, thức ăn có chứa ma túy.
Khi gặp các tình huống nguy cơ kể trên, học sinh cần có kỹ năng xử lý để không dính vào các hành vi vi phạm pháp luật. Cuốn sách chỉ ra 5 nguyên tắc học sinh THCS cần nhớ.
Quy tắc 5 ngón tay hướng dẫn học sinh xử lý tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy được đề cập trong cuốn "Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh THCS".
Nguyên tắc 1: Ngón tay cái - Bình tĩnh
Trong bất kỳ tình huống nào các em đều cần bình tĩnh, không nên khóc lóc. Khi mất bình tĩnh, các em sẽ khó phân tích được tình huống mình đang gặp phải, không lựa chọn được giải pháp phù hợp và an toàn tại thời điểm đó. Hơn nữa, việc không bình tĩnh, sợ hãi sẽ càng khiến kẻ xấu biết điểm yếu để uy hiếp, đe dọa, dễ dàng ép các em phải tuân theo yêu cầu của chúng.
Việc la hét, khóc lóc sẽ làm kẻ xấu nảy sinh sợ hãi vì người xung quanh phát hiện. Một vài trường hợp có thể chúng hoảng sợ bỏ chạy, nhưng cũng có thể chúng trở nên liều lĩnh mà gây ra những hành vi nguy hiểm đối với các em.
Nguyên tắc số 2: Ngón tay trỏ - Từ chối, bỏ đi
Việc từ chối, bỏ đi cần khéo léo và dứt khoát. Điều đó cho thấy các em mạnh mẽ, có ý thức làm chủ bản thân và khiến kẻ xấu e ngại. Thường kẻ xấu chỉ đạt được mục đích khi biết người tiếp cận hoặc đe dọa, rủ rê yếu đuối, sợ hãi. Còn với người mạnh mẽ, có khả năng làm chủ bản thân, chúng thường hạn chế tiếp cận vì tỷ lệ thành công không cao. Chúng dễ dàng bị phát hiện hoặc bị bắt.
Nguyên tắc số 3: Ngón tay giữa - Thông báo ngay cho người thân, người lớn mà em tin tưởng
Bên cạnh các em luôn có những người sẵn sàng giúp đỡ khi gặp khó khăn. Việc nhờ người xung quanh giúp đỡ không thể hiện sự yếu kém mà đó là lựa chọn thông minh, cần được phát huy. Có những tình huống vượt quá khả năng giải quyết của các em thì việc tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ giảm thiểu hậu quả của sự việc gây ra, đảm bảo an toàn cho các em.
Việc liệt kê ra người sẵn sàng giúp đỡ và đánh dấu theo thứ tự 1, 2, 3... sẽ giúp các em phản ứng nhanh trong những tình huống khẩn cấp. Nên trao đổi trước với những người được lựa chọn để họ biết khi gặp tình huống nguy hiểm sẽ gọi ngay cho họ. Nếu sử dụng điện thoại riêng, hãy đặt phím tắt cho những người đó. Ví dụ: Bố là phím 1, mẹ là phím 2, thầy cô giáo là phím 3 để không phải tìm danh sách trong danh bạ trong tình huống khẩn cấp.
Nguyên tắc số 4: Ngón áp út - Di chuyển đến nơi đông người, an toàn
Như đã phân tích ở trên, thông thường những kẻ làm việc xấu sẽ rất sợ người khác phát hiện. Vì thế khi cảm thấy bị đe dọa, không an toàn, các em hãy di chuyển ngay lập tức đến những nơi đông người, nơi cảm thấy an toàn.
Nguyên tắc số 5: Ngón út - Liên lạc với số điện thoại khẩn cấp để nhờ trợ giúp (113, 115, 111)
Ngoài việc liên lạc cho người thân, người lớn tin tưởng, các em có thể gọi cho số điện thoại 113 là đường dây nóng của cảnh sát (trực 24/24h), 115 - đường dây nóng của bệnh viện hoặc 111 - đường dây nóng của quốc gia về bảo vệ trẻ em, tùy từng trường hợp cụ thể.
Chẳng hạn, các em có thể gọi 113 khi thấy hành vi tội phạm đang hoặc có nguy cơ xảy ra; phát hiện người bị nghi là tội phạm; có người bị thương hoặc đang gặp nguy hiểm. Hãy gọi 115 khi thấy tai nạn; cấp cứu các vấn đề khẩn cấp liên quan tới sức khỏe; vận chuyển người cấp cứu, người bị nạn.
Các em gọi 111 khi bị bạo hành, đánh đập; bị bắt cóc hoặc có nguy cơ bị bắt cóc; khi gặp khó khăn trong việc học tập, xử lý các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô; khi cảm thấy không an toàn; bị xâm hại.
Tại hội nghị phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường hợp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 22/6, thiếu tướng Vũ Hùng Vương, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), đánh giá bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" trong trường học do Viện PSD tổ chức biên soạn là tài liệu hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống ma túy học đường. Bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt và sắp tới sẽ được đưa đến học sinh trung học, phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Theo thống kê của Bộ Công an, đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trên thực tế, số người nghiện và nghi nghiện cao hơn rất nhiều, trong đó có cả học sinh, sinh viên. |