“Việt Nam có tỷ lệ rất thấp lao động có bằng cấp, chứng chỉ, có đến 54 triệu lao động của Việt Nam chủ yếu làm công việc đơn giản, không cần trình độ chuyên môn”, ông Nguyễn Bá Ngọc (Bộ Lao động thương binh và xã hội) cho biết.
Ảnh minh họa.
Tại hội thảo về nguồn nhân lực cho phát triển ngành công nghiệp diễn ra ngày 27/3 tại Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), ông Matshusita Takashi, Chuyên gia phụ trách đào tạo, Văn phòng JICA Việt Nam cho biết JICA đã có nhiều dự án đào tạo tại Việt Nam, Việt Nam trong ngành cơ khí, chế tạo mới tạo tăng trưởng GDP nhưng thiếu nguồn nhân lực. Thời gian tới điều cần thiết với Việt Nam là nâng cao chất lượng nhân lực do chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu năng lực, ý thức nghề nghiệp chưa cao.
“Những khía cạnh mà đào tạo nhân lực cần tăng lên như kiến thức cơ bản về ngành nghề đào tạo, có ý thức ngành nghề, có năng lực giải quyết được vấn đề”, ông Takashi nói.
Ông Takashi dẫn kết quả khảo sát của JICA và cho biết, các doanh nghiệp Nhật muốn lao động phải có ý thức lao động, có kỹ năng tay nghề, đội ngũ kỹ sư thực hành, thợ thành nghề và nhu cầu của họ đang ngày càng tăng cao.
“Chúng tôi có một số chương trình ở Việt Nam như đào tạo giáo viên, chuẩn hoá chương trình giảng dạy, liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức các khoá tu nghiệp ngắn hạn cho doanh nghiệp ở một số lĩnh vực qua các khoá học học viên có thể nắm định hướng nghề tương lai”, ông Takashi nói.
Chia sẻ về những ý kiến được đưa ra bởi chuyên gia phụ trách đào tạo, Văn phòng JICA Việt Nam, ông Nguyễn Bá Ngọc, diễn giả đến từ Bộ Lao động và thương binh xã hội nói: “Nhận xét của các chuyên gia Nhật Bản rằng Việt Nam tuy có nhiều loại hình đào tạo nhưng vẫn thiếu sáng tạo, thiếu năng lực giải quyết vấn đề là rất đúng. Đó là nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thua xa Nhật, chỉ bằng 1/15 Singapore”.
“Việt Nam có tỷ lệ rất thấp lao động có bằng cấp, chứng chỉ, có đến 54 triệu lao động chủ yếu làm công việc đơn giản, không cần trình độ chuyên môn, có đến 30% lao động không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn”, ông Ngọc tiếp lời.
Theo đó, ông Ngọc đề xuất giải pháp “phân luồng” cho đúng ngành nghề mong muốn. Thực tế, mỗi năm có khoảng 600. 000 học sinh vào Đại học, chỉ trên 100.000 vào trường dạy nghề do không đỗ Đại học, Cao đẳng. Bên cạnh đó, sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác này còn rất ít, thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia.
Tại hội thảo, ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ dạy nghề chính quy (Tổng cục dạy nghề) cũng thông tin, Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp nên thiếu lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
“Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2015 đạt 38,5% không đạt mục tiêu là 40%. Tuy nhiên, ngành nghề vừa qua đạt kết quả tuyển sinh cao nhưng có nhiều nghề tuyển sinh được rất ít và chậm thậm chí không tuyển sinh được như những nghề thuộc lĩnh vực mỏ, ngành nghề độc hại, công nghệ mạ, chế tạo khuôn đúc…”, ông Giang cho hay.
Ông Giang cho rằng, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn như vấn đề già hoá dân số cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động và chất lượng việc làm thấp, quản lý lao động lỏng lẻo… trong khi với AEC hội nhập, di chuyển lao động trong nội khối ASEAN sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh.
Về thách thức này, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cũng cho biết, Việt Nam đã tham gia AEC, lao động di chuyển dễ dàng hơn khiến thị trường cạnh tranh hơn trong khi đó, Việt Nam không còn lợi thế mạnh về lao động so với Thái Lan, Philippines hay Indonesia.
Tâm An / BizLIVE