TS. Phan Minh Ngọc cho rằng, việc huy động vàng trong dân là ít có tính khả thi và rất rủi ro.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam mới đây đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia và phát hành chứng chỉ vàng để huy động vàng trong dân cho đầu tư phát triển kinh tế. Đề xuất này có một số điểm bất ổn, ít có tính khả thi.
Trước tiên, để thành lập được sở giao dịch vàng thì cần có hàng hóa, tức là vàng, theo quy chuẩn để thị trường có thể dễ dàng định giá. Nhưng hiện tại, mặc dù đã có Thông tư 22/2013 của Bộ Khoa học công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường như thừa nhận của NHNN, thông tư này “chưa đi vào cuộc sống”, dẫn đến việc quản lý đăng ký chất lượng, mẫu mã, quy trình thực hiện vàng trang sức, mỹ nghệ vẫn còn rất lỏng lẻo.
Khi thiếu vắng quy chuẩn đo lường chất lượng và trọng lượng thì thị trường không thể định giá trị một cách chính xác một lượng vàng vật chất nào đó. Do vậy, ngoài số lượng vàng miếng có thương hiệu được NHNN công nhận, phần lớn số lượng vàng còn lại do dân nắm giữ, gồm vàng miếng các thương hiệu khác (không được NHNN công nhận), và vàng trang sức không thể mang ra trao đổi trên sở giao dịch được, và điều này có nghĩa là tham vọng lập sở giao dịch để huy động vàng trong dân không thể thành hiện thực một cách có ý nghĩa được.
Thứ hai, cho dù có dùng chứng chỉ vàng để giao dịch trên sở giao dịch vàng thay cho vàng vật chất thì vẫn cần phải trải qua công đoạn chuẩn hóa vàng để dựa vào đó cấp chứng chỉ. Nhưng như đã nói, việc quản lý đo lường chất lượng vàng chưa thực hiện tốt được thì không thể cấp chứng chỉ vàng một cách đại trà được. Để việc huy động vàng đạt đến quy mô có ý nghĩa, NHNN cần phải buộc dân chúng chuyển đổi số vàng vật chất phi quy chuẩn này thành vàng quy chuẩn. Vậy những chi phí liên quan này ai sẽ gánh chịu?
Nếu NHNN không trực tiếp gánh chịu thì người dân có vàng sẽ tính hết những loại chi phí này vào lãi suất họ đòi hỏi NHNN hay bất cứ một tổ chức nào đứng ra huy động vàng nhân danh nhà nước phải đáp ứng nếu muốn “mượn” vàng của họ, càng làm đội chi phí huy động vàng trong dân. Chưa kể, chuyện chuyển đổi vàng này sẽ tạo ra nhiều rủi ro, bất ổn như vốn đã từng xảy ra trước đây.
Thứ ba, khi huy động vàng thông qua chứng chỉ vàng và phải trả lãi cho người chủ sở hữu vàng, điều này lại kích thích thêm việc đầu cơ nắm giữ vàng trong dân vì họ vừa có thêm công cụ để đầu cơ, bảo toàn tài sản của mình, lại vừa được hưởng lãi, cũng tương tự như việc nắm giữ ngoại tệ. Điều này làm trầm trọng thêm nạn “vàng hóa”, là điều mà NHNN lại đang ra sức chống đỡ bằng nhiều giải pháp vốn không nhận được sự đồng tình rộng rãi của dư luận.
Thứ tư, nếu vàng vẫn ở dạng vàng vật chất thì giá trị sử dụng của nó còn bị hạn chế. Chẳng hạn, khi thực hiện giao dịch lớn thì số vàng phải vận chuyển sẽ nhiều - một yếu tố mang tính rủi ro cao. Nay, với việc hợp pháp hóa sự tồn tại của vàng vật chất thông qua chứng chỉ vàng, việc giao dịch, thanh toán, và cất trữ tài sản vàng này trong dân chúng lại trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn bao giờ hết. Trên nhiều phương diện, chứng chỉ vàng sẽ có giá trị và được chấp nhận rộng rãi như tiền mặt, tín phiếu, trái phiếu, séc, và các loại giấy tờ có giá khác. Bởi vậy, chủ trương phát hành chứng chỉ vàng sẽ càng mang đến một tác dụng không mong muốn là làm trầm trọng thêm nạn vàng hóa.
Thứ năm, về mặt tổ chức, NHNN không thể, không có chức năng tổ chức cả một mạng lưới huy động, chi trả vàng vật chất và cấp chứng chỉ vàng từ tất cả các tỉnh thành xuống đến ít nhất là cấp quận, huyện. Nếu được làm, và muốn làm, NHNN sẽ phải bỏ ra một chi phí khổng lồ (và cuối cùng lại tính vào ngân sách nhà nước) để xây dựng cơ sở vật chất và nhân lực cho công việc này. Nên có nhiều khả năng là NHNN sẽ phải dựa vào hệ thống ngân hàng và đại lý ủy quyền để thực hiện việc huy động và chi trả vàng hay cấp chứng chỉ vàng. Như vậy, ngoài việc vẫn phải tốn chi phí để trả cho hệ thống thu gom và chi trả vàng như thế này, NHNN còn hợp pháp hóa lại sự hiện diện của vàng trong hệ thống ngân hàng và các chân rết đại lý, là điều mà NHNN đã cố gắng chấm dứt, xóa sổ không lâu trước đây.
Cuối cùng, và cũng rất quan trọng, khi NHNN, Bộ Tài chính hay bất cứ một tổ chức nào huy động vàng cho nhà nước, họ phải trả lãi cho số lượng vàng huy động này. Dưới góc độ là một tài sản đầu tư, người sở hữu vàng sẽ đòi hỏi một lãi suất đủ lớn để hấp dẫn họ, dù không thể cao như lãi suất tiết kiệm nhưng cũng không thể quá thấp, ít nhất cũng phải vài phần trăm/năm, nêu không sẽ làm người dân không mặn mà cho vay vàng của họ được.
Số vàng này sau đó giả sử được dùng làm tài sản thế chấp để vay nước ngoài. Cứ cho là vì đã dùng vàng làm thế chấp thì lãi suất vay nước ngoài sẽ thấp hơn là vay tín chấp, nhưng lãi suất này sẽ không thể thấp hơn lãi suất cho vay các chính phủ phương Tây (tức ít nhất cũng là một vài phần trăm/năm). Thêm nữa, phía Việt Nam sẽ phải chịu thêm các chi phí vận chuyển, bảo quản vàng vật chất đến các kho được chỉ định làm nơi giữ tài sản thế chấp này theo chỉ định của người cho vay ở nước ngoài, cũng như các chi phí thanh lý, phòng ngừa rủi ro, nếu Chính phủ Việt Nam không đáp ứng được nghĩa vụ nợ của mình. Nếu cộng tất cả những khoản lãi và phí phát sinh trong và ngoài nước này lại thì rất có khả năng là lãi suất thực tế có thể còn cao hơn nếu Chính phủ Việt Nam đi vay trực tiếp nước ngoài.
Các lý do trên cho thấy chủ trương huy động vàng trong dân là rất khó khả thi và rất rủi ro.
TS. Phan Minh Ngọc
Theo Trí thức trẻ