Năm 2016, xuất khẩu nông lâm thủy sản được dự báo sẽ có nhiều triển vọng do nhu cầu thị trường tăng và cơ hội được hưởng ưu đãi lớn về thuế, sức cạnh tranh tăng từ các Hiệp định thương mại tự do vừa kết thúc đàm phán.
Thủy canh rau sạch theo công nghệ châu Âu ở Lâm Đồng. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Những mặt hàng nông sản có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2016 như: hạt điều, hạt tiêu, gỗ, sắn và rau quả.
Theo đó, định hướng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2016 sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm bao gồm Hoa Kỳ, thị trường châu Âu, ASEAN, Nga và các nước Đông Âu, Trung Quốc, châu Phi.
Trong các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nền kinh tế Hoa Kỳ có dự báo khả quan nhất cho năm 2016 với nhu cầu của thị trường nội địa Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh và dự báo sẽ vẫn tiếp tục có cầu ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam.
Đó là thông tin vừa được đưa ra tại buổi Tọa đàm Thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương diễn ra ngày 18/2, tại Hà Nội.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, Hoa Kỳ là thị trường không quá khó tính và chưa yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và chất lượng, việc tận dụng những ưu đãi từ TPP cũng sẽ là lợi thế cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông Bảnh, trong nhiều năm qua, các mặt hàng như gỗ và sản phẩm của gỗ, hàng thủy sản là những mặt hàng chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
"Ngoài ra, Hoa Kỳ thường là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam như: hạt điều, hạt tiêu, càphê và sản phẩm mây tre cói thảm. Đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn cao su, chè và rau quả Việt Nam," Cục trưởng Lê Văn Bảnh nói.
Sự hấp dẫn của thị trường Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này rất quyết liệt, đặc biệt những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia - những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu.
Mặt khác, những rào cản về kỹ thuật và thương mại cũng là khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam gần đây như: thuế chống bán phá giá tăng cao đối với cá tra, các yêu cầu của Chương trình thanh tra cá da trơn theo Farmbill 2014 có hiệu lực từ tháng 3/2016.
Do đó, năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có kế hoạch tổ chức hoạt động đàm phán tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với cá tra và hoạt động kết nối doanh nghiệp. Dự kiến quý 2 năm 2016, Bộ sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm chè tại Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do với EU đã kết thúc đàm phán và mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi 90% hàng hóa vào thị trường này được hưởng mức thuế suất 0%.
Năm nay, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì sự hiện diện các ngành hàng nông lâm thủy sản tại thị trường truyền thống này, nhất là tập trung đột phá vào một số thị trường có mức cầu lớn, có lợi thế để thâm nhập sâu vào các nước châu Âu.
Để chủ động thích ứng với những biến động của kinh tế quốc tế, đảm bảo hội nhập đem lại hiệu quả thiết thực, có chiều sâu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề phát sinh trong thương mại nông lâm thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, cần tăng cường phối hợp và đảm bảo việc giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật, các tranh chấp phát sinh trong thương mại nông, lâm thuỷ sản.
Thứ trưởng Nam cũng bày tỏ mong muốn, tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương trong việc tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông lâm thủy sản của Việt Nam ra quốc tế nhằm đa dạng hóa thị trường, giữ vững và phát triển thị trường khó tính, chú trọng các thị trường tiềm năng, dễ tính như các nước Trung Đông (UAE, Saudi Arabia, Iran...), các nước châu Phi, khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống như ASEAN, EU. Đồng thời tìm kiếm và đa dạng các hình thức xuất khẩu mới./.
Theo Thanh Tâm / Vietnam+