Phát biểu tại hội nghị về ngành du lịch ngày 9/8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ gây chú ý lớn, khi ông nêu 7 nỗi sợ khiến 70% khách đến Việt Nam không quay trở lại.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, quan trọng nhất là phải thay đổi lại tư duy, coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, ứng xử với ngành này theo các quy luật của kinh tế thị trường,
Theo Phó thủ tướng, đó là: sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường.
Quan trọng nhất là tư duy
“Du lịch Việt Nam nhiều tiềm năng, nhưng thiếu khả năng, thiếu dịch vụ, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng là 3 điểm yếu cốt tử của du lịch Việt Nam”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Phó thủ tướng, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, coi du lịch là ngành kinh tế dịch vụ, ứng xử với ngành này theo các quy luật của kinh tế thị trường, chứ không phải chỉ đơn thuần là ngành vui chơi giải trí, mang nặng tính bao cấp.
Đồng thời, phải coi trọng việc nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông và lưu trú, tập trung vào các vùng du lịch trọng điểm các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch, không đầu tư dàn trải.
“Cần có quan điểm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, nhưng không nhất thiết tỉnh nào cũng coi du lịch là mũi nhọn”, Phó thủ tướng nói.
Ông cũng đề nghị, phải nhận thức ngành du lịch là ngành kinh tế có dấu ấn văn hóa sâu sắc, có tính tổng hợp, liên kết vùng, liên kết ngành rõ nét. Phải coi trọng tính cộng đồng trong kinh doanh du lịch mà vai trò trực tiếp ở đây là doanh nghiệp và người dân.
Đối với việc quảng bá và xúc tiến du lịch, theo Phó thủ tướng, vấn đề không phải là do thiếu tiền mà quan trọng là thiếu ý tưởng. Việc Tổng cục Du lịch mới đây làm một video dài 7 phút quay bằng flycam với 9 thứ tiếng đã tác động rất mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế.
“Không cần com lê, cà vạt, xắn tay ngay vào làm”
Cũng tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ý kiến: tất cả phải làm du lịch với tinh thần “không cần com lê, cà vạt, xắn tay ngay vào làm”. Tư tưởng này, theo ông, phải được quán triệt đến từng bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, điểm đến.
Điểm lại các nhóm kiến nghị, tâm tư của doanh nghiệp, địa phương, Phó thủ tướng cho biết những kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương không chỉ được ghi nhận đơn thuần mà sau hội nghị, Thủ tướng sẽ chỉ đạo ngay những việc cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy du lịch phát triển.
“Ví dụ vấn đề visa điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao Bộ Công an triển khai để đầu năm 2017 có thể thực hiện trước hết là ở các thị trường trọng điểm”, Phó thủ tướng thông tin và mong muốn sau hội nghị này, các doanh nghiệp, địa phương, bộ ngành một lòng quyết tâm, nỗ lực để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm.
“Thế giới có 3 chỉ số đo mức độ văn minh xã hội dễ thấy nhất là trật tự an toàn xã hội, điển hình là trật tự giao thông; thứ hai là giá cả ở chợ, nếu ở đâu đều niêm yết giá, không phải mặc cả, chứng tỏ nơi đó đạo đức kinh doanh trung thực được tôn vinh; thứ ba là vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Bảo Quyên / VnEconomy