Theo khảo sát phần mềm toàn cầu mới công bố của BSA (Liên minh Phần mềm), người sử dụng máy tính Việt Nam đang sử dụng phần mềm không bản quyền với tỉ lệ đáng báo động, bất chấp mối liên hệ giữa phần mềm không bản quyền và các cuộc tấn công mạng.
Khảo sát cho thấy tỉ lệ phần mềm cài đặt trên máy tính tại Việt Nam không có giấy phép hợp lệ là 78%.So với nghiên cứu tương tự trước của BSA năm 2013, tỉ lệ này đã giảm đáng kể được 3 điểm phần trăm.
Tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính giảm đáng kể là do ảnh hưởng một phần bởi những xu hướng lớn đang diễn ra tại Việt Nam.
Thị trường máy tính PC nhìn chung đã giảm sút, đặc biệt về phía người tiêu dùng, trong khi số lượng phần mềm cài đặt lại tăng.
Do số lượng phần mềm cài đặt tăng nên gây ra “hiệu ứng lượng cài đặt”, và theo đó là làm tăng áp lực lên tỉ lệ phần mềm không giấy phép.
Đặc biệt, những nỗ lực lớn của chính phủ trong việc tăng cường bảo hộ và thực thi bản quyền phần mềm và cácchương trình nâng cao nhận thức rất hiệu quả đã góp phần giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam.
Chủ tịch kiêm TGĐ BSA Victoria A. Espinel cho biết: “Doanh nghiệp cần biết rõ trong hệ thống mạng của công ty đang sử dụng những phần mềm nào. Nhiều giám đốc CNTT chưa nắm bắt được đầy đủ về những phần mềm được triển khai trên hệ thống hay phần mềm đó có hợp thức hay không”.
Khảo sát nhắm đến đối tượng là người tiêu dùng, nhà quản lý CNTT, người sử dụng máy tính PC doanh nghiệp, theo đó khẳng định tỉ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền vẫn còn cao, đồng thời cảnh báo các cá nhân, doanh nghiệp đang “chơi với lửa” khi sử dụng phần mềm không bản quyền. Bởi, giữa các cuộc tấn công mạng và việc sử dụng phần mềm không bản quyền có mối liên hệ chặt chẽvới nhau.
Khi sử dụng phần mềm không bản quyền, nguy cơ gặp phải mã độc sẽ tăng cao, trong khi chi phí để xử lý những mã độc đó rất lớn.Chẳng hạn chỉ tính riêng năm 2015, các cuộc tấn công mạng đã làm tiêu tốn của doanh nghiệp tới hơn 400 tỉ đô la.
Theo P.Tuyên / Tiền Phong