Bất chấp biện pháp áp thuế tự vệ mà Việt Nam áp dụng, 12,6 triệu tấn sắt thép ngoại vẫn đổ bộ về thị trường nội địa trong 8 tháng đầu năm 2016, trực tiếp giành thị trường với hàng sản xuất trong nước.
Gần 5,3 tỷ USD chi cho nhập thép
Bộ Công thương cho biết, lượng sắt thép các loại nhập khẩu vào thị trường nội địa trong 8 tháng đầu năm 2016 tăng 27,3% về lượng và tăng 2,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý, trong tổng số 12,6 triệu tấn sắt thép ngoại nhập về thời gian qua, Trung Quốc vẫn chi phối cả về lượng và giá thép nhập khẩu. Cụ thể, có tới 60% sản lượng thép được nhập từ Trung Quốc, chiếm 56% tổng kim ngạch. Tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Nga.
"4 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Nga chỉ chiếm 38% về lượng và 39% về kim ngạch. Do đó, giá sắt thép nhập khẩu đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc", Bộ Công thương nhận định.
Việc thép nhập khẩu đổ bộ vào thị trường nội địa đã không là chuyện lạ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Việt Nam đã sử dụng biện pháp phòng vệ để ngăn đà tăng nhập khẩu của thép xuất xứ Trung Quốc, mà thực tế thép nhập khẩu vẫn tăng phi mã lại là câu chuyện đáng bàn.
Trước đó, đầu tháng 3/2016, Bộ Công thương đã quyết định áp thuế tự vệ tạm thời 200 ngày đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài, do nguyên đơn là 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt - Ý đề xuất.
Đến ngày 18/7, Bộ Công thương đã quyết định chính thức áp thuế tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu, với thuế tự vệ lần lượt là 23,3% và 15,4% để "chặn" thép giá rẻ từ Trung Quốc. Thời gian áp thuế có hiệu lực tới hết tháng 3/2020.
Giá vẫn là nguyên nhân chính
Về nguyên nhân tại sao đã áp dụng biện pháp áp thuế tự vệ, nhưng thép nhập từ Trung Quốc vẫn chi phối lớn trong cơ cấu hàng nhập khẩu vào Việt Nam, theo các doanh nghiệp, là do giá thép Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với giá thép của Việt Nam. Giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang thấp hơn khoảng hơn 10% so với thép nội, do đó, nhiều công ty thương mại đang tích cực nhập khẩu để cung ứng ra thị trường.
Một tín hiệu vui cho các doanh nghiệp sản xuất thép nội là, trong bối cảnh hàng nhập khẩu vẫn tăng phi mã, nhưng nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng khá, nên sản xuất và tiêu thụ thép các loại của doanh nghiệp vẫn tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nhu cầu xây dựng trong nước tốt, nên sản lượng thép xây dựng sản xuất và tiêu thụ vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao. Tăng trưởng cả về bán hàng và sản xuất các sản phẩm thép trong 8 tháng đầu năm 2016 đều vượt 29%, cho thấy khả năng đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về các sản phẩm thép xây dựng của doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, sản xuất các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên VSA tháng 8/2016 đạt 1.532.496 tấn, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2015 và tăng 5,7% so với tháng trước. Trong khi đó, tiêu thụ sản phẩm thép các loại tháng 8/2016 đạt 1.300.037 tấn, tăng cao so với cùng kỳ 2015 là 38,7%.
Tổng cộng trong 8 tháng qua, sản xuất toàn ngành thép đã đạt 11,5 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ, tiêu thụ 9,54 triệu tấn, tăng 29,3%.
VSA nhận định, nếu hàng nhập khẩu không đổ bộ mạnh mẽ, thì cơ hội cho hàng nội sẽ lớn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, người tiêu dùng cho rằng, doanh nghiệp sản xuất thép trong nước không chỉ cứ dựa vào biện pháp bảo hộ của Nhà nước, mà cần tăng cường năng lực sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng và giảm giá thành thì mới cạnh tranh lâu dài được.
Thế Hải / baodautu.vn