Theo số liệu được công bố trong khuôn khổ hội nghị VNITO, trên 80% các doanh nghiệp phần mềm tham gia điều tra đều có quy mô vừa và nhỏ với doanh thu dưới 50 tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào các thị trường quốc tế.
IMT là 1 trong 40 doanh nghiệp CNTT nổi bật năm 2015. |
Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia phát triển về gia công phần mềm và vẫn còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Vừa qua, trong bảng xếp hạng của Tholons (Tổ chức quốc tế đánh giá xếp hạng về gia công phần mềm), Việt Nam đạt thứ hạng cao trong top 100 điểm đến hấp dẫn toàn cầu về gia công CNTT.
Năm 2015, Việt Nam cũng được chọn là một trong các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO) trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gia công phần mềm hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các thị trường quốc tế, kể cả các thị trường trong khu vực như Nhật Bản và Singapore.
Theo những đánh giá của các chuyên gia quốc tế tại Hội nghị phát triển gia công CNTT Việt Nam (VNITO) 2015, các công ty phần mềm Việt Nam ngày càng được đánh giá cao. Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển khi có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng tốt và cạnh tranh về chi phí so với các nước khác trong khu vực như Ấn Độ hay Trung Quốc. Tuy thế, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam lại thiếu các chuyên gia chuyên sâu, khả năng ngoại ngữ của kỹ sư Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây cũng là một nhược điểm khi tham gia thị trường Nhật Bản.
Một điểm nữa khiến Việt Nam vẫn còn ít được biết đến như là điểm đến về gia công phần mềm là do công tác tiếp thị của các công ty Việt Nam hiện nay, nhất là các công ty quy mô vừa và nhỏ là còn manh mún và thiếu hệ thống khi chỉ chủ yếu dựa vào 2 kênh tiếp cận khách hàng chính là quảng cáo trên website, các forum IT và qua mạng lưới đối tác.
Theo những số liệu được công bố trong khuôn khổ VNITO, trên 80% các doanh nghiệp phần mềm tham gia điều tra đều có quy mô vừa và nhỏ với doanh thu dưới 50 tỷ đồng mỗi năm. Nguồn nhân lực cũng tương đối hạn chế, nhất là về trình độ ngoại ngữ. Đây được coi là thách thức cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường quốc tế, nhất là khi chúng ta vừa ký kết Hiệp định TPP.
Chia sẻ với ICTnews, anh Mai Hoài An, Chủ tịch HĐQT Công ty Giải pháp công nghệ truyền thông đa phương tiện Sáng Kiến ( IMT Solutions) cho biết: các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khi các công nghệ Big Data, điện toán đám mây và mạng xã hội phát triển và tạo ra nhu cầu rất lớn cho thị trường.
Đối với các doanh nghiệp phần mềm Việt có quy mô vừa và nhỏ khi muốn tham gia các thị trường nước ngoài nên chọn sự chuyên biệt để tăng sức cạnh tranh.
Theo anh Mai Hoài An, các doanh nghiệp phần mềm vừa và nhỏ Việt Nam hầu như đều gặp khó khăn trong công tác tiếp thị và bán hàng khi tiếp cận với các thị trường nước ngoài. Đơn cử như trường hợp của IMT, một công ty được sáng lập, điều hành hoàn toàn bởi các kỹ sư Việt Nam và gặp khó khăn nhiều trong công tác tiếp thị, bán hàng khi tiếp cận với thị trường nước ngoài. Vì vậy, IMT đã chọn sự chuyên biệt và khả năng kỹ thuật là điểm khác biệt để cạnh tranh.
"Ngay khi thành lập năm 2008, IMT đã lựa chọn giải pháp ứng dụng di động (mobility solution) là trọng tâm và đầu tư xây dựng năng lực kỹ thuật với công nghệ iOS và Android từ ngày đầu. Khi công nghệ IT phát triển hơn, để tận dụng lợi thế học hỏi nhanh chóng của kỹ sư Việt Nam, chúng tôi luôn chọn công nghệ mới là điểm tập trung. Hiện nay, chúng tôi tập trung vào điện toán đám mây, Big data và mạng xã hội", anh An chia sẻ.
Trong khi đó, tại mỗi thị trường, nên đưa ra một chiến lược và bước đi phù hợp. Tại Singapore, IMT đã chọn đại diện bán hàng tại chỗ để có thể thâm nhập thị trường nhanh chóng hơn.
Còn ở thị trường Nhật, để khắc phục điểm yếu về ngoại ngữ, thay vì tìm cách lấy người có khả năng tiếng Nhật từ các doanh nghiệp khác, IMT chọn một hướng đi khác hơn. Chẳng hạn như đầu tư đào tạo tiếng Nhật cho nhân viên hay làm việc thông qua các đối tác tại Nhật để có thể thâm nhập thị trường Nhật Bản nhanh chóng trong khi vẫn tạo được sự ổn định.
Vài nét về IMT Solutions:
Công ty Giải pháp công nghệ truyền thông đa phương tiện Sáng Kiến (Initiative Multimedia Technology Solutions - IMT Solutions) là công ty kinh doanh và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phần mềm được thành lập năm 2008. Hiện IMT có 150 nhân viên với các đại diện tại Nhật và Singapore. Khách hàng của IMT bao gồm các công ty từ start-up cho đến các công ty trong danh sách Fortune 500 trên nhiều lĩnh vực công nghệ và nhiều ngành nghề khác nhau.
(Theo ICTNews)