1,03 tỷ USD là tổng lượng ngoại tệ cả nước đã chi ra để nhập khẩu than phục vụ nhu cầu tiêu dùng than trong nước, với sản lượng lên tới 10,4 triệu tấn.
Từ một quốc gia xuất khẩu than hàng đầu, những năm gần đây, Việt Nam phải nhập khẩu than với kim ngạch ngày một lớn. |
Nhập khẩu than tăng phi mã
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2017, lượng than đá nhập khẩu đạt hơn 1 triệu tấn, nâng tổng lượng than nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2017 lên 10,4 triệu tấn, với kim ngạch lên tới 1,03 tỷ USD.
Trong khi đó, xuất khẩu than 9 tháng chỉ thu về 207 triệu USD, chỉ bằng 15% lượng than nhập khẩu.
Các thị trường nhập khẩu than chủ yếu của Việt Nam là Indonesia, Australia, Nga, Trung Quốc, Malaysia... ,trong đó, 3 thị trường có sản lượng nhập khẩu trên 1 triệu tấn là Indonesia, Australia, Nga.
Trong 9 tháng, lượng than nhập khẩu từ Indonesia là hơn 4 triệu tấn, chiếm 38,5% tổng lượng than nhập khẩu của cả nước. Nhập khẩu than từ thị trường Australia 2,84 triệu tấn, trị giá đạt gần 340 triệu USD. Riêng lượng nhập khẩu từ Liên bang Nga là 1,84 triệu tấn, trị giá đạt 178 triệu USD.
Như vậy, 9 tháng qua, tổng lượng than mà Việt Nam nhập khẩu từ 3 thị trường Indonesia, Australia, Liên bang Nga đã lên tới gần 8,7 triệu tấn, chiếm gần 84% tổng lượng nhập khẩu than của cả nước.
So cùng kỳ năm 2016, lượng than nhập khẩu chỉ tăng nhẹ 0,1%, tương đương 1 triệu tấn. Tuy nhiên trị giá nhập khẩu lại tăng rất cao gần 53%, nên kim ngạch nhập khẩu đã lên tới 1,03 tỷ USD. Đơn cử, giá than xuất khẩu của Australia, một trong những thị trường mà Việt Nam nhập khẩu than lớn nhất đã nhảy vọt mức lên 103,5 USD/tấn, ngưỡng cao nhất từ đầu năm đến nay do nhu câu ở châu Á tăng mạnh.
Từ một quốc gia xuất khẩu than hàng đầu, những năm gần đây, Việt Nam phải nhập khẩu than với kim ngạch và sản lượng ngày một lớn.
Năm 2013, cả nước mới chỉ nhập khẩu 2,27 triệu tấn than đá với trị giá 264 triệu USD; đến năm 2016, lượng than nhập khẩu của cả nước đã lên đến 13,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 927 triệu USD. So với năm 2015, tăng 92,4% về lượng và 69,4% về giá trị.
Với sản lượng và giá trị nhập khẩu như vậy đã đưa năm 2016 trở thành năm có giá trị than nhập khẩu bằng nhiều năm trước cộng lại và Việt Nam chính thức trở thành nước nhập khẩu than.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh đã phải thừa nhận, nhập khẩu ban đầu từ vài triệu tấn, nhưng sẽ tiếp tục tăng lên khoảng vài ba chục triệu tấn và nhiều hơn nữa trong những thập kỷ tới.
Những “ông lớn” “khát” than
Nhu cầu tiêu dùng than của một số “ông lớn” thuộc các ngành điện lực, dầu khí…là những tác nhân dẫn đến lượng than nhập khẩu ngày càng cao.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2017 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng cho biết về lượng than mà Tập đoàn này dự kiến phải nhập khẩu trong năm 2017, với sản lượng vào khoảng 4,7 triệu tấn, có thể sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào năm 2020, và 19 triệu tấn vào năm 2025.
Năm 2016, EVN bắt đầu có nhu cầu nhập khẩu than và nhà máy đầu tiên sử dụng than nhập khẩu là Nhiệt điện Duyên Hải 3. Hiện, Chính phủ đang giao cho EVN xây dựng và quản lý nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu là Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Duyên Hải 3, 4 mở rộng
Nhưng, nhu cầu tiêu dùng than nhập khẩu không chỉ riêng EVN mà còn còn có các nhà máy nhiệt điện của nước ngoài, nhà máy của các tập đoàn khác như Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Theo ước tính của Vinacomin, đến năm 2020, nhu cầu than cho sản xuất trong nước là hơn 75 triệu tấn than, nhưng sản xuất than trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, còn lại sẽ phải nhập khẩu.
Hơn thế, sản xuất than là việc khó khăn và không thể tăng sản lượng nhanh nên theo thời gian lượng than nhập khẩu tăng dần.
Phát triển nhiệt điện than trong nước ngày càng phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu. Theo Quy hoạch điện 7, đến năm 2020 Việt Nam phải nhập đến 50 triệu tấn than, năm 2030 là 80 triệu tấn. Các nhà máy đang và chuẩn bị xây dựng như Vũng Áng, Vĩnh Tân, Duyên Hải... phải sử dụng than nhập khẩu do than trong nước không phù hợp
Hiện nay, cùng với Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, có khá nhiều đầu mối doanh nghiệp thương mại được phép nhập khẩu than.
Thông tin từ Cục Hải quan Quảng Ninh, có 18 đơn vị nhập khẩu than qua địa bàn này. Than nhập khẩu có thuế 0%, với sự suy giảm của thị trường năng lượng thế giới, giá dầu xuống thấp kéo theo giá than giảm mạnh, than ngoại đang có lợi thế hơn so với than nội khoảng 5-8 USD/tấn.
Thế Hải / baodautu