Dự kiến khoảng 20 dự án điện gió, điện mặt trời của nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ được triển khai tại Bình Thuận trong thời gian tới.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vừa diễn ra, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định và tiếp nhận cam kết đầu tư của gần 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng sạch, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Ước tính tổng vốn đăng ký ban đầu hơn 126.000 tỷ đồng.
Trong đó, số lượng dự án sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo chiếm áp đảo và có vốn đầu tư dự kiến khoảng 94.150 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại huyện Tuy Phong và Hàm Tân. Nổi bật trong số này là dự án nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự án nhà máy điện khí Sơn Mỹ 1 của liên doanh nhà đầu tư Pháp - Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 49.500 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD).
Hàng loạt nhà đầu tư đang tích cực tìm đến Bình Thuận để phát triển điện gió, điện mặt trời. Ảnh: Annie Le. |
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, cơ cấu thu hút đầu tư của tỉnh đang chuyển đổi rõ nét theo hướng khuyến khích phát triển năng lượng sạch song hành với các ngành kinh tế mũi nhọn, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước vào năm 2020 với tổng công suất đạt trên 12.000 MW.
Theo quy hoạch phát triển đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện gió sẽ đạt 2.500 MW. Đối với nhiệt điện và điện mặt trời, công suất ước tính trong thời gian tới lần lượt đạt 10.000 MW và 3.819 MW. Hiện Bình Thuận cũng tích cực đa dạng hóa hình thức sản xuất năng lượng, tính đến nay địa phương này đã có các nhà máy nhiệt điện vận hành bằng than và khí hóa lỏng, thủy điện, phong điện và điện mặt trời.
Ông Hai nhận định, điều kiện thiên nhiên thuận lợi là yếu tố quan trọng nhất giúp Bình Thuận dẫn đầu trong nhóm các địa phương phát triển toàn diện ngành công nghiệp điện. Cụ thể, nhờ ít mưa, số giờ nắng trong năm luôn ở mức lý tưởng và phần lớn diện tích có cường độ bức xạ nhiệt trung bình khoảng 5 kWh trên mỗi mét vuông mà địa phương có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng mặt trời. Tài nguyên thủy điện dồi dào nhờ sở hữu tổng lượng nước bình quân hàng năm khoảng 5,4 tỷ m3 được tạo bởi 7 lưu vực sông chính và còn thêm 30 hồ lớn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Điện gió Bình Thuận thì dù tiềm năng vô cùng lớn nhưng để các nhà máy điện gió, điện mặt trời của tỉnh đóng góp hoàn thành mục tiêu chung là 800 MV vào năm 2020 thì không khả thi.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch hiệp hội này cho rằng các dự án đầu tư điện gió thường mất nhiều thời gian để được cấp phép đầu tư. Sau đó, chủ đầu tư tiếp tục đối mặt với vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Trong số 3 dự án chính thức vận hành thì một dự án bị ngân hàng siết nợ, một dự án đổi chủ và một dự án mới hoạt động gần đây nhất cũng phải chắt chiu để trả phí vận hành, không có chi phí tái đầu tư nên khó nói đến vấn đề thu hồi vốn.
“Hơn 10 năm qua, công suất điện gió cả nước phát triển mới hơn khoảng 160 MW. Riêng tại Bình Thuận, hiện có 19 dự án đăng ký đầu tư và rất ít trong số đó chính thức vận hành với giá bán điện lên lưới theo quy định là 7,8 cent một kWh. Chúng ta còn chưa đầy 3 năm để hoàn thành 80% kế hoạch còn lại nhưng nếu không có gì thay đổi trong thời gian tới thì với giá điện này sẽ không thể đạt kế hoạch”, ông Thịnh cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ cân nhắc việc tăng giá điện gió trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư rót vốn phát triển năng lượng sạch tại Bình Thuận theo chủ trương của Trung ương.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, từ khi quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam được ký, giá mua điện tại điểm giao nhận tăng lên 9,35 cent một kWh. Hàng chục nhà đầu tư sau đó đã đến Bình Thuận tìm hiểu cơ hội phát triển điện mặt trời. Đây được xem là tín hiệu lạc quan cho ngành điện nhưng đề nghị doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh lâu dài và bền vững, nói đi đôi với làm để tránh tình trạng ký kết rầm rộ nhưng không triển khai.
“Chính quyền và các nhà đầu tư cần có tầm nhìn và nâng cao chất lượng quy hoạch để không xảy ra tình trạng quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và các sản phẩm mâu thuẫn nhau, triệt tiêu lẫn nhau”, Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý Bình Thuận phải phát triển đồng thời công nghiệp chế biến sâu titan thành nguồn năng lượng sạch dựa trên lợi thế chiếm 92% tổng trữ lượng quặng của cả nước.
Phương Đông / VnExpress