Xét về giá trị tuyệt đối, thương mại đang là lĩnh vực được ngân hàng cho vay với dư nợ cao nhất hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tiếp theo là công nghiệp với hơn 1,88 triệu tỷ đồng.
Số liệu thống kê do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 9,78 triệu tỷ đồng, tăng 6,44% so với đầu năm.
Trong đó, công nghiệp là lĩnh vực có tăng trưởng tín dụng cao nhất với mức 8,9%, dư nợ hơn 1,88 triệu tỷ đồng.
Cho vay thương mại tăng 8,16%, đạt gần 2,28 triệu tỷ đồng; tiếp đến là cho vay các hoạt động dịch vụ khác (6,74%) với gần 3,72 triệu tỷ đồng.
Số liệu dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng do Ngân hàng Nhà nước thống kê.
Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, thương mại đang là lĩnh vực có dư nợ cao nhất với hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tiếp theo là công nghiệp với hơn 1,88 triệu tỷ đồng.
Với mảng vận tải và viễn thông, tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực này đạt hơn 252.514 tỷ đồng, mức tăng 4,63%.
Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có số dư tín dụng hơn 789.749 tỷ đồng, mức tăng 1,81% so với cuối năm 2020.
Báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng cũng cho thấy, nhiều ngân hàng đã gần "cạn" room tín dụng nếu không có đợt điều chỉnh vừa qua của NHNN.
Đơn cử như tại TPBank, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong nửa đầu năm khoảng 11%, trong khi đó nhà băng này được cấp tín dụng đợt một là hơn 12%.
Tại MB, cho vay khách hàng cuối quý II đạt dư nợ hơn 325 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm.
Hay như Techcombank tăng trưởng tín dụng đã vượt 11%, dư nợ tín dụng của VIB trên 185 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm.
Tại Vietcombank, nhà băng này được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% hồi đầu năm nhưng tín dụng đã tăng trưởng 9% trong vòng 6 tháng.
Giữa tháng 7, NHNN chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng dựa trên nguyên tắc "đảm bảo nguyên tắc nhất quán để đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ "vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế".
Theo đó, tăng trưởng tín dụng được nới thêm 2-6 điểm % tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.
Vì vậy, Vietcombank được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 14%; TPBank được nâng room tín dụng lên 17,4%; Techcombank từ 12% lên 17%; MB được tăng từ 10,5% lên 15%; VIB từ 8,5% lên 14,1%; Sacombank được nới room tín dụng từ 6,5% lên 10,5%; Eximbank nâng chỉ tiêu tín dụng từ 6,5% lên 10%...
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho biết hầu hết các nhà băng được nới "room" tín dụng lần này đa phần là những ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số ngân hàng đã bước sang lộ trình Basel III. Những ngân hàng này cũng nằm trong nhóm ngân hàng có chính sách thiết thực trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Như vậy, nếu tính cả lần điều chỉnh này, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm nay theo hạn mức mới vào khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu. Tuy nhiên, mức này thấp hơn so với năm 2020 là 12,13%.
SSI Research kỳ vọng NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay.
Vậy các ngân hàng đã cho vay những lĩnh vực nào mà "cạn" room tín dụng? Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của 17 ngân hàng thương mại có phân loại cho vay theo ngành (không bao gồm ba ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, BIDV do không công bố thuyết minh cho vay theo ngành nghề kinh doanh) cho thấy, có gần 2,7 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay được phân bổ vào các ngành nghề chính, tăng 9% so với đầu năm.
Các ngân hàng cho vay chủ yếu vào cá nhân, hộ gia đình, bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản. Trong đó, các ngân hàng tập trung cho vay cá nhân, hộ gia đình nhiều nhất với dư nợ 397.049 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 15%, dù tỷ trọng này giảm nhẹ so với đầu năm.
VPBank (mã chứng khoán: VPB) là ngân hàng cho vay cá nhân, hộ gia đình nhiều nhất với 113.066 tỷ đồng dư nợ, chiếm tỷ trọng trên 40%. Nếu tính hợp nhất (cộng cả FE Credit) thì con số tuyệt đối là hơn 173.000 tỷ đồng dư nợ, chiếm tỷ trọng trên 50%.
Đứng thứ 2 về ngân hàng cho vay cá nhân, hộ gia đình là MB (MBB) với 108.066 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 30% dư nợ.
Bán buôn, bán lẻ là ngành được ngân hàng rót tiền nhiều thứ hai, sau cá nhân và hộ gia đình, chiếm tỷ trọng 12,35%. Đây cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng tỷ trọng mạnh nhất trong các ngành được ngân hàng phân bổ cho vay.
Ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, ngân hàng cho vay chiếm tỷ trọng gần 11% và bất động sản chiếm 8,13%. Trong đó tại Techcombank, cho vay doanh nghiệp kinh doanh bất động sản 6 tháng đầu năm đạt 101.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 32% tổng dư nợ của ngân hàng...