Sáng nay (11/10), tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố Chiến lược đối tác quốc gia 2016-2020 nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 5 năm tới.
Chiến lược đối tác quốc gia của ADB giai đoạn 2016-2020 được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế – xã hội ấn tượng.
ADB tổ chức họp báo công bố Chiến lược đối tác quốc gia 2016-2020 cho Việt Nam
Theo đánh giá của các chuyên gia ADB, Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng nhanh (trung bình trên 6,5%/năm trong giai đoạn 1991–2015) đã làm thay đổi đất nước, từ một trong những nước nghèo nhất châu Á trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.109 USD.
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu quan trọng, giải phóng nền kinh tế và phát huy các lợi thế cạnh tranh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới đi đôi với tăng cường định hướng thị trường trong chính sách kinh tế, và tăng trưởng trong khu vực doanh nghiệp tư nhân. Lao động đã dịch chuyển ra khỏi các hoạt động kinh tế truyền thống có năng suất thấp như nông nghiệp sang các hoạt động hiện đại tinh vi hơn, có năng suất cao hơn như công nghiệp chế tạo và dịch vụ.
Tuy nhiên, theo ADB, Việt Nam cũng đang bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn. Các luồng vốn lớn đổ vào Việt Nam đã trở thành một thách thức lớn về quản lý đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam, làm cho giá tài sản tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, và làm cho Việt Nam trở nên rủi ro hơn trước những biến động của nền kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã kích hoạt một giai đoạn bất ổn về kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, dự trữ ngoại hối giảm, lạm phát tăng lên hai con số, và thâm hụt thương mại gia tăng. Chính phủ phản ứng bằng cách tăng tỉ lệ đầu tư công, làm cho cán cân tài khoá và tiền tệ càng trở nên mất cân đối, và làm cho tỉ lệ nợ công/GDP tăng cao. Các chính sách kinh tế vĩ mô được thực hiện từ năm 2012 đã khôi phục được sự ổn định kinh tế vĩ mô, và tăng trưởng kinh tế phục hồi từ 5,2% lên 6,7%, lạm phát giảm từ 9,2% xuống 0,6% trong năm 2015. Khi Việt Nam tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ vẫn đối mặt với thách thức lớn là cải cách điều hành kinh tế vĩ mô để duy trì ổn định và vượt qua các cú sốc đến từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, các chuyên gia ADB cũng cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác được tối đa tiềm lực kinh tế to lớn của mình. Việt Nam có bờ biển dài, vị trí chiến lược nằm giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trong Khối ASEAN, đây là những lợi thế kinh tế lớn của Việt Nam. Tiền lương thực tế của Trung Quốc tăng lên làm cho các hoạt động sản xuất dịch chuyển sang các địa bàn mới có chi phí tiền lương thấp hơn, nhưng Việt Nam vẫn chưa gặt hái được đầy đủ lợi ích từ diễn biến này, mặc dù Việt Nam rất gần với các trung tâm sản xuất ở phía Nam Trung Quốc. Cần có một chiến lược dài hơi để tận dụng lợi thế về vị trí địa lý của Việt Nam và đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục chuyển đổi cơ cấu và cải thiện năng suất của các doanh nghiệp trong nước nhằm hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, để giải quyết những thách thức này, chiến lược đối tác quốc gia (CPS) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dành cho Việt Nam giai đoạn 2016–2020 sẽ hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư và cải cách chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường. Để đạt được mục tiêu này, khuôn khổ chiến lược của ADB sẽ dựa trên ba trụ cột:
Thứ nhất, thúc đẩy tạo việc làm và năng lực cạnh tranh. Ở trụ cột này, ADB cho rằng Việt Nam cần phải cải cách cơ cấu. Cụ thể là cổ phần hóa DNNN và quản trị doanh nghiệp, thị trường vốn theo chiều sâu và tài chính vi mô. Cùng với đó, cần kết vật lý, đường cao tốc và hệ thống đường sắt quốc gia; đồng thời khu vực tư nhân cần đẩy mạnh giáo dục dạy nghề và kỹ năng, quản lý và DNNVV và dịch vụ hỗ trợ, khung đối tác công – tư. Đặc biệt, Việt Nam cần tăng hiệu quả chi tiêu, hệ thống ngân sách nhất quán.
Thứ hai, tăng cường tính bao trùm toàn diện trong cung cấp hạ tầng và dịch vụ. Ở trụ cột này, theo ADB, Việt Nam cần phát triển đô thị hóa một cách đồng đều như: Hệ thống vận chuyển hành khách khối lượng lớn, đường vành đai đô thị, quản lý nước ở các đô thị loại 2, các thành phố thông minh. Bên cạnh đó, cần tiếp cận giáo dục trung học, bảo hiểm và chăm sóc y tế toàn dân. Đối với các nhóm dân cư nông thôn và vùng xa, cần hình thành mạng lưới và đẩy mạnh tính kết nối giao thông nông thôn, mạng lưới điện nông thôn, các hệ thống thủy lợi ở nông thôn.
Thứ ba, cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ở trụ cột này, ADB cho rằng Việt Nam cần quản lý tài nguyên, quản lý lưu vực nước ở nông thôn, quản lý rừng bền vững, quản lý các chất thải rắn. Với ứng phó biến đổi khí hậu, các biện pháp thích nghi phải được lồng ghép vào tất cả các hoạt động đầu tư trong giao thông, nông nghiệp, đô thị và năng lượng, quản lý nguồn nước. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, giao thông vận tải và sản xuất nông nghiệp ít phát thải các-bon.
Ông Eric Sidgwick khuyến nghị, việc Việt Nam chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập trung bình thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình đòi hỏi những cải thiện về hiệu quả chi tiêu công và đầu tư nhiều hơn cho khu vực tư nhân.
“ADB sẽ hỗ trợ cả 2 vấn đề này, giúp tăng quy mô đầu tư của khu vực tư nhân thông qua phương thức hợp tác công – tư, đồng thời tăng cường tiếp cận kiến thức và công nghệ mới. ADB cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam sử dụng một cách bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như các biện pháp nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. “Chia sẻ trí thức sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mới của ADB dành cho Việt Nam, với trọng tâm là tăng cường môi trường thuận lợi cho kinh doanh, thúc đẩy minh bạch tài khóa và trách nhiệm giải trình của khu vực công” – ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.
Vân Du / DĐDN