Agribank bị các ngân hàng anh em “bỏ lại” sau lưng không chỉ ở các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động mà ngay cả khi đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận trung bình của mỗi nhân viên.
Ảnh minh họa.
Ngày 28/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định số 58/2016/QĐ-TTG về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) sẽ được cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ.
Thông tin mới nhất về Agribank, sau một thời gian tái cơ cấu, hiện nợ xấu của ngân hàng đã về dưới mức 3%, lợi nhuận năm 2016 khoảng 4.000 tỷ đồng. Mức lợi nhuận trước thuế 4.000 tỷ đồng có thể được xem là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Agribank. Dù vậy, con số lợi nhuận này vẫn thấp hơn mức lợi nhuận của Vietinbank, BIDV hay Vietcombank tạo ra vào năm 2013.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất các năm
Được thành lập vào tháng 3/1988 với tên gọi Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam; năm 1996 Ngân hàng được đổi tên thành Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank như hiện nay. Ngân hàng là doanh nghiệp Nhà nước đặc biệt được tổ chức theo mô hình tổng công ty nhà nước, có thời hạn hoạt động là 99 năm. Tháng 4/2012, ngân hàng hoạt động theo hình thức Công ty TNHH một thành viên.
Ngân hàng lớn nhất Việt Nam
Đến hết năm 2015, Agribank vẫn là ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản gần 875.000 tỷ đồng, bằng 130% tổng tài sản của Vietcombank; huy động tiền gửi đạt mức 763.361 tỷ đồng, bằng 155% số dư tiền gửi của khách hàng ở Vietinbank; cho vay khách hàng đạt mức 630.479 tỷ đồng.
Nguồn: Số liệu Báo cáo tài chính các năm. Nhiều năm liên, Agribank luôn có số dư nợ cho vay khách hàng lớn hơn số dư tiền gửi khách hàng.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Agribank năm 2015 chưa bằng một nửa lợi nhuận trước thuế của bất kỳ ngân hàng nào trong nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước là Vietinbank, BIDV hay Vietcombank. Nếu cho rằng, biên lợi nhuận của Agribank chắc chắn không bằng các ngân hàng Vietinbank, BIDV hay Vietcombank vì đối tượng khách hàng vay (nơi tạo ra thu nhập chính cho ngân hàng) là trong lĩnh vực nông nghiệp; cũng như Agribank phải thực hiện các chính sách khuyến nông, đầu tư nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ quả là khó thuyết phục.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các ngân hàng
Agribank bị các ngân hàng anh em “bỏ lại” sau lưng không chỉ ở các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động mà ngay cả khi đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận trung bình của mỗi nhân viên. Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất của Agribank, năm 2015, lương bình quân của mỗi nhân viên ngân hàng là 17,4 triệu đồng/tháng/người - đây cũng là mức thu nhập bình quân; và ở mức cao so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Nguồn: Báo cáo tài chính các ngân hàng
Mỗi nhân viên của Agribank trung bình chỉ tạo ra 84 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/năm so với mức chi phí bình quân ngân hàng phải chi ra cho nhân viên là hơn 242 triệu đồng/người/năm.
Bị “vượt mặt” bởi những khoản vay “nhân danh chính sách”!
Năm 2012, Agribank gây bất ngờ khi Kiểm toán Nhà nước điểm tên về nợ xấu cao cho năm tài chính 2010 và một loạt các vấn đề sai phạm. Năm 2012, nợ xấu của Agribank là 7,4%; đến năm 2015, Agribank đã kéo giảm nợ xấu xuống dưới 3%. Nhưng vẫn ở mức cao nhất so với các ngân hàng trong nhóm.
Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính các ngân hàng
Từ năm 2012 đến nay, hàng loạt sai phạm của các cán bộ ngân hàng Agribank, các đơn vị trực thuộc Agribank được đưa ra xét xử. Dĩ nhiên, điều này hé lộ phần nào nguồn lực của Agribank đã bị lãng phí và dùng sai mục đích cũng như việc “nhân danh chính sách” để cho vay khách hàng. Đây chính là lý do dù cho được quản lý khối lượng tiền gửi khách hàng khổng lồ, cho vay “rất tốt”, lợi nhuận của Agribank vẫn thấp và từng đẩy ngân hàng vào giai đoạn khó khăn.
Giai đoạn 2013 - 2015 Agribank thực hiện đề án tái cơ cấu tổ chức bộ máy và hoạt động kinh doanh. Agribank đánh giá những thay đổi theo hướng tích cực mà Agribank bước đầu đạt được là nền móng vững chắc để xây dựng một Agribank phát triển mạnh mẽ, an toàn và bền vững trong những năm tiếp theo.
Nợ xấu của Agribank đã được kéo giảm về dưới 3% và một những khó khăn lớn nhất của Agribank hiện nay được cho là tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, nếu Agribank không có những thay đổi mạnh mẽ trong quản trị nguồn lực, nguy cơ Agribank không chỉ bị các ngân hàng vượt lên mà Agribank có thể trở thành tảng băng chìm của nền kinh tế.
“Không thể chấp nhận một ngân hàng thương mại mà nhiều khoản cho vay lại nhân danh chính sách” là đánh giá của giới chuyên môn dành cho Agribank, đây cũng là vấn đề mà Agribank cần thiết phải giải quyết triệt để trong thời gian tới nhằm đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Hồng Quân / BizLIVE